Pleiku sắp xếp lại hệ thống cáp viễn thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng đan xen giữa đường dây điện và cáp viễn thông tạo nên những “mạng nhện” trên không, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chính vì vậy, UBND TP. Pleiku đang nỗ lực cùng với ngành chức năng, đơn vị liên quan triển khai sắp xếp lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
“Mạng nhện” trên không
Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, hiện nay, về cơ bản, cáp điện lực trên địa bàn thành phố đã được Công ty Điện lực Gia Lai triển khai sắp xếp, bó lại ở hầu hết tuyến đường chính. Tuy nhiên, do một số tuyến đường cáp viễn thông không đi chung với hệ thống cột điện hoặc giữa các đơn vị chưa có sự phối hợp đồng bộ nên phần lớn hệ thống cáp viễn thông chưa được bó lại. Tại các tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phan Đình Phùng… cáp viễn thông không đi chung với hệ thống điện mà sử dụng trụ riêng dẫn đến hệ thống dây cáp chằng chịt. Cùng với đó, nhiều dây cáp hiện đã không còn sử dụng nhưng các đơn vị không tiến hành gỡ bỏ. Việc treo cáp không tuân thủ theo quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, dẫn đến mất an toàn trong công tác quản lý, vận hành lưới điện, mất an toàn thông tin, không đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như chiều cao an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đường Cách Mạng Tháng Tám dây cáp đan xen, chằn chịt lên nhau. Ảnh: Quang Tấn
Đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) dây cáp đan xen, chồng chéo lên nhau. Ảnh: Quang Tấn

Ngoài ra, hầu hết hệ thống trụ viễn thông tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố đã bị xuống cấp, có nguy cơ đổ ngã, gây mất an toàn. “Trên địa bàn thành phố chỉ có hệ thống trụ điện đã được cấp phép xây dựng. Trong khi đó, từ năm 2013 đến nay, Phòng không cấp phép xây dựng cho bất kỳ trụ cáp viễn thông nào”-ông Tâm khẳng định.

Tương tự, ông Võ Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-cho rằng: Hầu hết trụ cáp viễn thông đều không có giấy phép xây dựng mà chủ yếu làm cạnh trụ điện. Thời gian qua, nhiều hộ dân phản ánh, thậm chí ý kiến lên tỉnh tình trạng các trụ cáp viễn thông xây dựng trùng sát nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bên cạnh đó, các trụ viễn thông tại ngã ba, ngã tư được các nhà mạng thi nhau kéo hàng chục dây cáp chằng chịt, tạo nên những “mạng nhện” trên không gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ đổ ngã.
Còn theo ông Thái Dương Tuấn-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, hiện nay, có 9 đơn vị treo cáp viễn thông đi trên hệ thống cột điện và có trả phí theo thỏa thuận. Riêng Viettel thì không trả phí theo cam kết riêng giữa 2 tập đoàn. Từ năm 2014, Công ty đã triển khai bó cáp trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Pleiku nói riêng. Đến nay, đơn vị đã bó được 164 km/230 km cáp viễn thông trên trụ điện, chiếm hơn 70%. Số còn lại, đơn vị đang tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành trước năm 2025. Tuy nhiên, sau khi Công ty thực hiện bó cáp thì các đơn vị viễn thông tiến hành kéo thêm cáp nhưng không thực hiện theo đúng quy chuẩn trước đó hoặc thực hiện nhưng còn sơ sài gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó, trên hệ thống trụ điện hiện có rất nhiều cáp viễn thông thừa, không sử dụng nhưng các đơn vị viễn thông chưa tiến hành thu hồi.
Cần sự chung tay
Nói về giải pháp sắp xếp, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, ông Hồ Thanh Vương-Giám đốc Chi nhánh Kỹ thuật Viettel Gia Lai-đề xuất: “Ủy ban nhân dân TP. Pleiku cần giao cho 1 phòng, ban cụ thể đứng ra chủ trì phối hợp với các đơn vị viễn thông thực hiện công tác bó cáp, xử lý cáp thừa cũng như di dời trụ cáp không đúng nơi quy định. Đối với các tuyến đường đã thực hiện bó cáp rồi, nay được thành phố đầu tư nâng cấp, mở rộng thì các nhà mạng cần chung tay cùng với Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện. Viettel Gia Lai sẽ đồng hành cùng với thành phố để xây dựng đô thị ngày càng xanh-sạch-đẹp”.  
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho rằng: Khi thành phố tiến hành bó cáp các tuyến đường trên địa bàn thì nên giao cho một bộ phận cụ thể chủ trì thực hiện, các doanh nghiệp viễn thông cùng đứng ra làm, đơn vị nào không tham gia thì cắt bỏ cáp không xác định. Trước khi tiến hành, đề nghị UBND thành phố có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông để kiểm tra, giám sát các đơn vị viễn thông về công tác quản lý nhà nước.
Thành phố Pleiku sẽ tiến hành chỉnh trang bó cáp vị trí trước nhà thờ Thăng Thiên để làm điểm, rút kinh nghiệm. Ảnh: Quang Tấn
Thành phố Pleiku sẽ tiến hành chỉnh trang bó cáp vị trí trước nhà thờ Thăng Thiên để làm điểm, rút kinh nghiệm. Ảnh: Quang Tấn

Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế, trong tháng 6 này, thành phố tiến hành chỉnh trang, bó cáp lại 2 vị trí tại vòng xoay trước nhà thờ Thăng Thiên và đoạn cáp treo ngang qua đường Trần Phú (trước Khách sạn Vĩnh Hội) để làm điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai những bước tiếp theo. Phòng Quản lý đô thị chủ trì lên phương án cụ thể, yêu cầu tất cả đơn vị có mặt dưới sự chứng kiến của các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý những dây thừa và treo lại. Trường hợp đơn vị nào không có mặt đúng thời gian quy định thì tiến hành cắt, thiệt hại đơn vị đó tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, Phòng Quản lý đô thị kiểm tra toàn bộ trụ viễn thông trên các tuyến phố để làm cơ sở yêu cầu các đơn vị có phương án di dời và bó cáp chung với điện lực. 

“Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các phòng, ban chức năng gửi kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm cho Công ty Điện lực Gia Lai, các đơn vị có hạ tầng nằm trên các tuyến đường cần cải tạo, chỉnh trang, mở rộng để các đơn vị nắm, có thời gian lập kế hoạch di dời cho phù hợp, đảm bảo tiến độ các dự án. Đề nghị các đơn vị có hạ tầng chủ động bố trí kế hoạch, nguồn vốn di dời hạ tầng đồng bộ theo kế hoạch của thành phố và thống nhất sử dụng chung hạ tầng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh sự chồng chéo”-Chủ tịch UBND thành phố thông tin thêm.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.