Pleiku chú trọng phát triển không gian công cộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không gian công cộng không chỉ là nơi thể hiện những giá trị văn hóa, lịch sử của một đô thị mà còn có ý nghĩa nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đặc biệt chú trọng đến quy hoạch, phát triển, mở rộng không gian công cộng.
Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku-cho biết: Việc đầu tư xây dựng và bố trí không gian công cộng được TP. Pleiku xác định là nhiệm vụ quan trọng, hướng tới mục tiêu “thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Vì vậy, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo từ khâu thẩm định lập quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, khu đặc thù chức năng bắt buộc phải có quỹ đất bố trí dành cho công viên, hoa viên, không gian công cộng.
Theo đó, hàng năm, thành phố đã bố trí nguồn vốn để đầu tư chỉnh trang công viên, hoa viên, không gian công cộng theo hướng hiện đại, phù hợp với cảnh quan đô thị. Cụ thể, các hoa viên, công viên như: Lâm viên Biển Hồ, Hoa viên Quang Trung, Công viên Kpă Klơng, Công viên Nguyễn Viết Xuân, ngã ba Diệp Kính… đã được chú trọng đầu tư một cách bài bản, có chủ đề.
Cùng với Quảng trường Đại Đoàn Kết (khuôn viên rộng 12 ha), Công viên Diên Hồng (rộng 10,9 ha), việc nâng cấp, mở rộng các công viên, hoa viên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị.
Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như lá phổi xanh giữa lòng thành phố, tạo điểm nhấn cho đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như lá phổi xanh giữa lòng thành phố, tạo điểm nhấn cho đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Trong 2 năm (2019-2020), thành phố đã dành gần 20 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, cải tạo các công viên: Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú), Kpă Klơng (phường Hội Thương), Hoa viên Quang Trung (phường Tây Sơn)... Theo đó, các không gian công cộng này đã được lát đá trên lối đi, bố trí ghế đá, trồng cây xanh, cây cảnh; cải tạo hệ thống thoát nước…
Đến nay, các công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân. Việc nâng cấp, cải tạo các công viên, hoa viên cũng góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc, tạo cảnh quan môi trường, từng bước xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp.
Ông Trần Công Bình (tổ 3, phường Phù Đổng) cho hay: “Từ khi được sửa sang, lát đá sạch sẽ và lắp đặt các thiết bị tập thể dục, Công viên Nguyễn Viết Xuân đã trở thành nơi rèn luyện sức khỏe và tận hưởng bầu không khí thiên nhiên trong lành. Đặc biệt, các thiết bị thể thao được lắp đặt ở đây rất dễ sử dụng, có ghi chú rõ ràng cách luyện tập. Tôi cũng như nhiều người thật sự rất phấn khởi”.
Công viên Nguyễn Viết Xuân sau nâng cấp, cải tạo đã trở nên xanh-sạch-đẹp, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập thể dục của người dân. Ảnh: Quang Tấn
Công viên Nguyễn Viết Xuân sau khi nâng cấp, cải tạo đã trở nên xanh-sạch-đẹp, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tập thể dục của người dân. Ảnh: Quang Tấn
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển không gian công cộng thời gian qua mới chỉ tập trung ở khu vực nội thị. Tại hầu hết các xã ở TP. Pleiku chưa có công viên, hoa viên hoặc được xây dựng nhưng diện tích chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Bùi Văn Thông (thôn 4, xã Chư Á) cho hay: “Tôi thấy việc xây dựng các không gian công cộng trên địa bàn thành phố là rất quan trọng, không những tạo điểm nhấn cho đô thị mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mong rằng, thời gian tới, thành phố dành nhiều quỹ đất để đầu tư xây dựng, mở rộng thêm các công viên, hoa viên cho người dân có thêm không gian hưởng thụ”.   
Theo ông Phạm Thế Tâm, hiện nay, thành phố đang xây dựng kế hoạch thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với các vị trí nhà ngay ngã ba, ngã tư có diện tích nhỏ để tạo hoa viên cảnh quan, vừa tránh tình trạng “thắt nút cổ chai” tại các tuyến đường này, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Đặc biệt, việc xây dựng, mở rộng các không gian công cộng được quy hoạch cụ thể tại Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, khai thác tối đa không gian dọc suối Hội Phú, suối Ia Linh với định hướng phát triển không gian xanh và mặt nước. Đồng thời, tăng cường thiết kế đô thị, cải tạo chỉnh trang gắn với bảo tồn hệ sinh thái cây xanh các tuyến đường: Hùng Vương, Lê Duẩn… nhằm hình thành các tuyến phố dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng; xây dựng các không gian mở đa dạng với trục cảnh quan du lịch-văn hóa-nghệ thuật đặc trưng kết nối Biển Hồ và núi Hàm Rồng; tạo lập các không gian sinh hoạt cộng đồng.
QUANG TẤN-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.