(GLO)- Sử dụng giống lúa tốt, áp dụng quy trình ICM trong khâu sản xuất nhằm gia tăng năng suất-sản lượng, tiết giảm chi phí đầu tư là mục tiêu ban đầu của huyện Phú Thiện khi xây dựng dự án cánh đồng lúa một giống. Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân trong quá trình phát triển sản xuất, thương mại hóa gạo Phú Thiện.
Ảnh nguồn internet |
Trong những năm qua, cây lúa đã được xác định là một trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Phú Thiện-vùng đất được định danh vựa lúa trên cao nguyên. Tận dụng những lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, Phú Thiện đặc biệt chú trọng đến việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng những chủng loại giống chất lượng tốt-năng suất cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp bắt kịp nhu cầu của thị trường hiện nay. Đây cũng là mắt xích chủ yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị kinh tế trên từng diện tích canh tác cũng như đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho biết: Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Phú Thiện đi đôi với việc mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản địa phương đã được huyện xác định là mục tiêu hành động trọng tâm giai đoạn 2015-2020. Phải làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, được đóng gói bao bì dưới thương hiệu xuất xứ Phú Thiện thì mới nâng cao giá trị sản phẩm, định hình vị thế riêng. Có được như vậy thì người nông dân mới sống tốt, sống khỏe nhờ cây lúa ngay trên mảnh đất này. |
Ngay từ đầu năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện đã xây dựng dự án Mô hình cánh đồng lúa một giống, áp dụng theo quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng (ICM) với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Sau quá trình khảo sát địa điểm, huyện quyết định chọn địa bàn 2 xã Ia Sol, Ia Ake để triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn quy mô diện tích lên đến 77 ha, sử dụng duy nhất giống lúa OM 4900; thời gian triển khai từ tháng 7 đến tháng 12-2016. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Gia Lai hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa cho những hộ tham gia dự án và hộ tham gia tập huấn. Dự án được áp dụng theo quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng (ICM) do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, có sự điều chỉnh các yếu tố cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của người dân cũng như môi trường, khí hậu tại chỗ. Khi dự án kết thúc, ước tính năng suất đạt khoảng 6,8-7 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 238-245 tấn lúa đạt tiêu chuẩn.
Xung quanh dự án này, ông Bùi Trọng Thành-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện kiêm Chủ nhiệm dự án cho biết: Hiện nay, 90% khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa và việc áp dụng khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất được huyện triển khai thường xuyên. Với dự án này, chúng tôi tận dụng ưu thế về nguồn nước, hệ thống thủy lợi, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa bàn xã Ia Sol, Ia Ake cộng với việc hỗ trợ giống lúa OM 4900, chuyển giao quy trình sản xuất ICM nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề, là bước đầu trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện theo Nghị quyết số 05 mà huyện đề ra. Thông qua dự án, chúng tôi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) và Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Ia Sol) bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Theo tính toán ban đầu, việc áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư cho nông dân; năng suất chất lượng và giá thành sản phẩm được tăng cao đáng kể. Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh của gạo Phú Thiện trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Sơn Ca