Phong trào "Chống rác thải nhựa": Lan tỏa sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

 

Nhiều cách làm sáng tạo

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức 2 đợt phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; thành lập câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần” tại tổ 6 (thị trấn Kon Dơng); tặng 272 chiếc giỏ nhựa cho CLB và làng Đê Kjiêng (xã Ayun). Riêng Hội LHPN huyện tổ chức 11 buổi tuyên truyền về chống rác thải nhựa; tặng 150 chai thủy tinh cho các cơ sở Hội và 100 giỏ nhựa đi chợ cho cán bộ, hội viên nòng cốt. Đến nay, 100% các cuộc họp, hội nghị của các cấp Hội ở cơ sở đều sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay cho chai nhựa dùng 1 lần; 100% cán bộ, hội viên được tặng giỏ nhựa đều đi chợ bằng giỏ kết hợp vận động người dân làm theo nên đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi.

Đặc biệt, nhiều cơ sở Hội còn phối hợp với các trường mẫu giáo tận dụng rác thải nhựa để làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Chị HNhen-Chủ tịch Hội LHPN xã Kon Thụp-cho biết: “Mỗi tháng 1 lần, Hội phối hợp với Trường Mẫu giáo Kon Thụp dọn vệ sinh các khu vực công cộng. Tại đây, chúng tôi phân loại rác thải và thu gom các chai nhựa, lốp xe cũ để làm bồn hoa và trò chơi cho các em nên được rất nhiều hội viên, giáo viên tích cực hưởng ứng”. Đến nay, nhà trường đã phối hợp với Hội làm được 10 xích đu, 15 bồn hoa.

Đoàn xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) thu gom chai nhựa dùng 1 lần để bán gây quỹ phục vụ các hoạt động chống rác thải nhựa. Ảnh: H.T
Đoàn xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai) thu gom chai nhựa dùng 1 lần để bán gây quỹ phục vụ các hoạt động chống rác thải nhựa. Ảnh: H.T



Huyện Phú Thiện cũng đã xây dựng được 11 mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần” với sự tham gia của 335 hội viên, trong đó, mô hình của CLB Nữ tiểu thương thị trấn Phú Thiện đem lại hiệu quả cao. Các thành viên tích cực tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và vận động tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông khi đựng hàng giao cho khách; ngoài ra còn nhập các sản phẩm thân thiện với môi trường về bán thay cho các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Giới thiệu về những chiếc dĩa thủy tinh được bày bán tại quầy, bà Nguyễn Thị Sao (tổ 1, thị trấn Phú Thiện) cho biết, sản phẩm này dùng để đựng bánh sinh nhật thay cho dĩa nhựa. Dù giá cao gấp nhiều lần so với dĩa nhựa (giá 5.000 đồng/chiếc) nhưng khi hiểu được tác hại của rác thải nhựa, nhiều khách hàng vẫn mua. Sau 2 tháng, bà đã bán được hơn 350 chiếc.

Tương tự, Đoàn xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) đã hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng nhiều việc làm thiết thực như: xây bể chứa rác thải độc hại trong nông nghiệp và thực hiện thu gom, phân loại rác thải độc hại; tự làm thùng rác đặt tại các trường học và các khu vực công cộng để vận động học sinh, người dân phân loại rác thải, từ đó bán ve chai gây quỹ tổ chức các hoạt động tình nguyện và chống rác thải nhựa; mỗi tháng hoặc mỗi tuần 1 lần tổ chức “Ngày không túi ni lông” để bán thực phẩm sạch gói bằng lá chuối, túi giấy. “Tôi thấy những việc làm của Đoàn xã rất ý nghĩa. Mỗi lần đi chợ, tôi đều hạn chế sử dụng túi ni lông”-bà Siu HPơn (làng Tel) bày tỏ. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu-Bí thư Đoàn xã-cho hay: “Tới đây, Đoàn xã sẽ bán các thực phẩm sạch gói bằng lá chuối với quy mô lớn hơn tại hội chợ nông sản do huyện tổ chức nhằm góp phần vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng 1 lần để bảo vệ môi trường”.

Lan tỏa phong trào

Xác định chống rác thải nhựa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai về cơ sở nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi. Nhiều địa phương đã huy động đoàn viên, thanh niên, các đơn vị đứng chân trên địa bàn và nhân dân tham gia thu gom, phân loại rác thải tại các khu vực công cộng cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Tiêu biểu, TP. Pleiku thí điểm mô hình phân loại rác thải tại phường Hội Thương và xây dựng các “Câu lạc bộ phân loại rác thải”; thị xã An Khê có mô hình “Quầy hàng sản phẩm an toàn”, “Phụ nữ thân thiện với môi trường”; các cấp Hội LHPN xây dựng các câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần”; các trường học vận động học sinh không sử dụng chai nhựa đựng nước, hộp xốp đựng thức ăn. Các cửa hàng, siêu thị, quán cà phê nhập những sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Đặc biệt, nhiều nhóm bạn trẻ, học sinh cũng hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: Nhóm Fly to Sky bán các sản phẩm thân thiện với môi trường; câu lạc bộ ENVI xóa điểm đen về rác thải và thu gom, phân loại rác thải để bảo vệ môi trường...

Đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện phong trào, bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Phong trào “Chống rác thải nhựa” đã tạo sự lan tỏa rộng rãi và đạt kết quả nhất định. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần”; thu gom, phân loại và xử lý hàng ngàn tấn rác thải, trong đó có rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa triệt để, cụ thể là thói quen sử dụng rác thải nhựa, sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày vẫn còn diễn ra; việc phân loại rác thải, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp; công nghệ sản xuất sản phẩm thay thế rác thải nhựa dùng 1 lần chưa được phổ biến, giá thành còn cao.

“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cũng như xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay để nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn về hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy”-bà Vinh thông tin.

 

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.