Đông Xuân là mùa mà bệnh thủy đậu hoành hành. Theo các bác sĩ, đây là bệnh dễ lây lan, khá lành tính nhưng cũng có trường hợp biến chứng viêm phổi, não... nên không thể chủ quan.
Gần đây trung bình mỗi tuần Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có khoảng 10 trẻ bị thủy đậu đến khám. Đa phần là trường hợp nhẹ, chưa có biến chứng nên được kê thuốc, tự điều trị ở nhà.
Trẻ bị thủy đậu chủ yếu là chăm sóc tại nhà và điều trị triệu chứng. |
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày cũng có nhiều bé bị thủy đậu tới khám nhưng đa số đều được điều trị ngoại trú, hiện chỉ còn khoảng 4-5 trẻ đang được theo dõi tại khoa truyền nhiễm của viện.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hương, khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, thủy đậu là bệnh do nhiễm virus gây ra, có thể lây, chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra. Bệnh có thể gây thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học...
Năm nay, bệnh thủy đậu không thành dịch, rải rác vài ca điều trị tại khoa. Tuy vậy, các mẹ vẫn cần chú ý phòng bệnh và trị bệnh cho con. Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin. Tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12 tháng. Ngoài ra, bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh cơ thể, giữ tay sạch sẽ, tránh nguồn lây bệnh.
Thủy đậu thường không có triệu chứng ban đầu đặc hiệu. Những ngày mới mắc, trẻ có thể mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một vài ngày sau, các nốt ban này phát triển thành các nốt phỏng có dịch trong và nhanh chóng lan ra toàn thân.
Bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ vỡ, khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm trùng thì có thể có dịch mủ đục sau đó để lại sẹo.
Bệnh có thể gây các biến chứng như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi... Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng... dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.
Với bệnh này, chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại chỗ. Cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin nhóm C, nhóm B. Nhiều phụ huynh sai lầm khi kiêng tắm cho con bị thủy đậu. Nên vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, có thể tắm nước sạch nhưng cần tránh chà sát da làm vỡ mụn nước. Nếu kiêng nước hoàn toàn, da bẩn có thể gây bội nhiễm. Nên bôi các vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ như Xanh methylene hoặc mỡ Acyclovir... Nếu trẻ sốt cao, có thể cho dùng thuốc hạ sốt. Cần cho bé ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, mềm...
Trẻ bị bệnh cần cách ly và sử dụng các vật dụng cá nhân riêng, để tránh lây lan cho người khác. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày cho con bằng nước muối sinh lý. Khi thấy bé có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, lơ mơ, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mai Thương (theo Vnexpress)