Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 336/TB-VPCP ngày 25-10-2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nội dung Thông báo nêu rõ, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia, đi qua 12 địa phương với tổng chiều dài 721 km.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11-2-2022 với yêu cầu bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II năm 2023; khởi công các dự án thành phần trước ngày 31-12-2022, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31-3-2023.

Thời gian qua, Bộ Giao thông-Vận tải và các bộ, ngành, các địa phương đã rất trách nhiệm, tích cực, nỗ lực cao triển khai Dự án và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 Km đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào năm 2025) và hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải và các địa phương hết sức chú ý, tập trung  hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công; kịp thời báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo, quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, ưu tiên giải quyết các khu vực thuận lợi, khu vực phải xử lý nền đất yếu; giao chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp. Kiểm soát chặt chẽ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 183/TB-VPCP ngày 25-6-2022; quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, tuyệt đối không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu. Các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu triển khai thủ tục liên quan bảo đảm thực hiện theo quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giao ban định kỳ với các địa phương, Ban Quản lý dự án để kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đoạn qua huyện tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Tuyến đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đoạn qua huyện tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN


Yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 26-9-2022; đẩy nhanh các thủ tục, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp bảo đảm đúng quy định pháp luật. Lưu ý không chia nhỏ gói thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật...

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp phép khai thác; sớm rà soát, báo cáo về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 26-9-2022.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu "đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng Sông Cửu Long".

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục tạo điều kiện, đồng thời chỉ đạo các Quân khu, cơ quan, đơn vị phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đất, công trình an ninh quốc phòng để bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật.

Cũng theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (VIETTEL) có trách nhiệm chủ động và phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông bảo đảm tuyệt đối an toàn, bàn giao kịp thời mặt bằng cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

 

G.B
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.