Phnom Penh - đất lạ người quen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một ngày cuối tháng 10, khi thành phố còn say trong giấc ngủ, chúng tôi đón chuyến xe khách đầu tiên Sài Gòn - Phnom Penh sang nước bạn Campuchia. Đến Phnom Penh, tuy đất lạ nhưng người không lạ. Có ai ngờ, giữa Phnom Penh mà chúng tôi còn được nghe câu vọng cổ.


Bâng khuâng bên cầu Neak Leung

Theo quốc lộ 1 của nước bạn, chúng tôi vào thủ đô Phnom Penh. Đường sá nơi đây khá tốt. Dọc hai bên đường nhiều công trình đang xây dựng, chủ yếu là nhà xưởng, nhà máy. Xe vận chuyển hàng hóa ngược xuôi. Những hình ảnh chứng tỏ của sự phát triển. Qua nhiều thị trấn sầm uất, người dân sử dụng phần nhiều là ô tô loại sang. Càng vô sâu càng thấy rõ nét đặc trưng của người Campuchia, dân lao động vẫn mặc xà rông, ở đa số nhà sàn, phía dưới để trống, có thể giăng võng nằm nghỉ trưa hay làm nhà đậu xe, cạnh bên là cầu thang trang trí đẹp, lên phòng khách nhà chính.

Xe dừng tại trạm dừng chân bên cầu Neak Leung, cây cối tươi tốt, đồng ruộng bạt ngàn màu lúa xanh mượt. Thấp thoáng những mái nhà mới xây, hình thành khu dân cư đông đúc. Cầu Neak Leung khánh thành năm 2015, đã giúp cho việc vận chuyển giữa các nước trong khối ASIAN thuận lợi hơn, đặc biệt là giữa thủ đô Phnom Penh và TPHCM như thêm gần lại. Cầu cách Phnom Penh 60km, cách Mộc Bài 90km, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Campuchia và tiểu vùng sông Mê Công. Nhìn cầu Neak Leung hoành tráng, xe cộ dập dìu, ngược xuôi, tôi không khỏi bâng khuâng nhớ lại những ngày tháng trước năm 2015, qua lại hai bờ sông phải đi phà. Làm sao quên được hình ảnh của nhiều bà con người Việt gắn bó hai bên bến phà, cùng với người dân bản địa chia ngọt, sẻ bùi. Thắm đượm tình người qua những ngày gian khổ, họ trở nên gần gũi, thân thương, xem nhau như bà con ruột thịt.

Bà Nguyễn Thị Ngọt, hơn 30 năm gắn bó tại bến phà Neak Leung, dù hôm nay đã có chiếc cầu mới, nhưng nhà nghèo, tiếp tục bám bên chân cầu buôn bán lặt vặt. Còn ông Dương Thành Phan may mắn hơn, mua được đất cất nhà, ông chỉ tay về hướng xóm nhà mới xây dưới chân cầu Neak Leung cách xa chừng hơn cây số. Hàng ngày ông rong ruổi trên chiếc honda, bán đủ thứ, từ sáng sớm đã ra khỏi nhà, tối mịt mới về, cuộc sống cũng tạm ổn.

Thủ đô Phnom Penh - gần gũi thân tình

Xe chạy men theo bờ sông Mê Công vào thủ đô Phnom Penh, càng đi khí hậu càng mát mẻ hơn, thỉnh thoảng gặp xe tuk tuk lưu thông trên đường. Chúng tôi tới Phnom Penh khi nắng đã lên cao. Thật bất ngờ với một Phnom Penh sầm uất, lạ lẫm khác xa so với mấy năm trước. Nhà cao tầng, xe hơi đậu dọc hai bên đường.

Chúng tôi vào một quán ăn có tên  Phương Nam trên đường 105 dùng bữa trưa. Quán này chủ là người Việt, sang Phnom Penh định cư gần 20 năm. Có cô nhân viên nói tiếng Việt rất sõi, chắc từ Việt Nam mới sang, các nhân viên khác tuy là người Campuchia nhưng cũng rành tiếng Việt, giao tiếp với chúng tôi rất vui vẻ, thân tình. Giữa thủ đô Phnom Penh mà ăn cơm với canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, cà tím nướng dầm tương, sao thấy ấm lòng quá đỗi. Bà chủ quán xởi lởi: “Đến Phnom Penh các anh khỏi lo lạ người lạ cảnh. Bà con nơi đây thiệt tình lắm, hầu như ai cũng biết nói tiếng Việt”.

Men theo đại lộ Monivong, chúng tôi thẳng tới đại lộ Charles de Gaulle (St: 217) để vào chợ trung tâm. Chợ có lối kiến trúc độc đáo, mái cao với hình vòm được Pháp xây dựng từ năm 1935. Cách buôn bán của các tiểu thương rất cởi mở, vui vẻ, hầu như ai cũng biết 3-4 thứ tiếng, gặp khách nước nào, họ mời chào bằng ngôn ngữ nước đó. Chúng tôi tâm đắc nhất là trong chợ có mấy tiệm chè với hàng chục loại, từ chè của người Việt với chè thốt nốt nước cốt dừa hay chè bí đỏ hầm của người Campuchia. Mọi người ngồi vây quanh ăn nói vui vẻ… Bất ngờ một người ngồi ăn chè lên tiếng: “Các anh sang đây mà không đến thăm đảo Kim Cương là kể như chưa tới Phnom Penh”.

Theo sự hướng dẫn của người bạn Campuchia, nói tiếng Việt rất giỏi, chúng tôi đi dọc theo đại lộ Sihanouk (St: 274) hướng ra đảo Kim Cương. Tượng đài Sihanouk cao sừng sững, bên kia là sòng bài Nagaword nhộn nhịp người ra vào. Đảo Kim Cương là nơi mà 4 con sông gặp nhau tạo thành ngã tư sông. Nơi đây có nhiều nhà hàng sang trọng và rất đông khách. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Bốn bề là sông nước, những cơn gió mát rượi mang hơi nước từ phía sông đưa vào.

Chúng tôi đến viếng Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Tượng đài cao sừng sững, hiên ngang giữa quảng trường lát đá rộng rãi. Hình ảnh người lính Campuchia và anh bộ đội Việt Nam đang cầm súng. Chúng tôi cùng đứng lặng yên, bùi ngùi tưởng nhớ những chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng ngã xuống vì tình hữu nghị quốc tế thiêng liêng…


 

Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia



Chợt người hướng dẫn đề nghị, tại sao chúng ta không thưởng thức món bún Num-bo-chóc đặc sản của xứ Chùa Tháp? chủ quán Vanna nói tiếng Việt lơ lớ: Với thành phần chính là mắm bò hóc và cá lóc tươi, cộng thêm hỗn hợp củ sả, ít nghệ... giã nhuyễn, tạo nên vị nước lèo có mùi đặc trưng riêng giúp món ăn thêm phần đậm đà, thơm ngon và độc đáo. Tô bún Num-bo-chóc mà thiếu bắp chuối, rau muống, đậu đũa, bông súng, cù nèo, bông điên điển… những thứ đặc sản Việt Nam, kể như mất ngon. Bởi vậy, chúng tôi thường gọi nó là món ăn hữu nghị Việt - Cam.

Chúng tôi đi dưới ánh đèn chói lọi rực rỡ sắc màu, lung linh một nét đẹp trầm lắng của một đêm thủ đô Phnom Penh. Phương tiện vận chuyển công cộng ở đây là tuk tuk. Loại xe kéo bằng xe gắn máy, phía sau chở khách như một xe lam của Việt Nam, nhưng được trang trí khá đẹp mắt và tiện nghi. Có cả wifi và dụng cụ sạc pin cho đủ loại điện thoại di động. Hơn nữa, thái độ phục vụ của các bác tài tuk tuk rất nhã nhặn, từ tốn, ân cần. Hầu như bác tài lái tuk tuk nào cũng nói được tiếng Việt, ít nhất cũng vài câu xã giao về giá tiền và đưa khách đến đâu.

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan thành phố Phnom Penh là anh Hà, người Việt Nam, làm việc tại công ty du lịch có văn phòng tại Phnom Penh. Đưa chúng tôi đến một quán cơm trên đường Boeng Keng Kang III, gọi mấy món ăn thuần Việt mới biết vợ chồng chủ quán tên là Sơn, quê ở Đồng Tháp. Cha mẹ anh Sơn sang đây lập nghiệp từ khi anh còn nhỏ. Anh Sơn tâm sự: “Xung quanh khu vực này, người Việt sinh sống cũng nhiều. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng được sự đoàn kết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau hết mực. Đặc biệt, tình cảm người bản địa thân thiện, còn chính sách đối với người nước ngoài rất tốt”. Anh Sơn giới thiệu những món ăn của quán: “Quán em nấu toàn những món thuần Việt, để phục vụ bà con mình từ quê nhà sang đây du lịch. Giá cả như ở Việt Nam”.


 

Một góc Phnom Penh
Một góc Phnom Penh



Đêm Phnom Penh nghe câu vọng cổ

Cơn gió đêm bắt đầu thổi lành lạnh mang theo những hạt mưa lác đác, thành phố Phnom Penh trở nên nhạt nhòa trong cơn mưa. Anh Hà bất ngờ hỏi chúng tôi: “Các anh có muốn đi nghe vọng cổ không?”. Chúng tôi hỏi lại: “Giữa Phnom Penh mà có hát vọng cổ?”. Anh Hà cười: “Ở đây có cả hát tân nhạc vọng cổ bằng tiếng Việt, đương nhiên là người Việt hát, nhưng đôi khi cũng có người Campuchia hát…”. Chiếc xe tuk tuk đưa chúng tôi tới đường Oknha In (St:136),  quán có tên là 99. Quán nhìn không quá lớn, nhưng khi đặt chân vào bên trong có khá đông người, không gian ấm cúng, lập tức chúng tôi có cảm giác rất quen thuộc vì nơi đây mọi người chỉ dùng tiếng Việt nói chuyện với nhau, kể cả những người Campuchia chính cống cũng nói tiếng Việt. Các dãy bàn đặt sát nhau, bàn nào cũng có người ngồi chật ních. Sân khấu quá chật hẹp, một đôi nam nữ đang hát mùi mẫn bài vọng cổ Lan và Điệp. Quán tuy đông người, nhưng ai cũng yên lặng lắng nghe. Hết người này hát vọng cổ đến người khác hát tân nhạc. Tất cả đều là nhạc Việt Nam.

Chúng tôi bắt chuyện làm quen với chủ quán tên Minh, mới 38 tuổi. Anh Minh cho biết, quán mở được hơn 10 năm nay, chủ yếu phục vụ người Việt Nam. Hầu hết những người sang đây sinh sống phần đông là dân miền Tây sông nước, ai cũng thích hát vọng cổ. Những bài ca vọng cổ làm vơi bớt nỗi buồn nhớ quê nhà. Anh Bảy - một tay đánh đờn có cỡ miệt U Minh, Kiên Giang, cũng sang đây đờn vọng cổ mỗi khi có khách yêu cầu. Anh Bảy nói vui: “Chị Út quê ở Hồng Ngự, Đồng Tháp sang làm phụ bếp ở quán này cả chục năm rồi. Có lần chị Út về Việt Nam chơi và nói, quán ca cổ Phnom Penh đang cần người đánh đàn tân cổ nhạc, lương hậu hĩnh, sống khỏe re. Tôi đã đồng ý qua Campuchia đờn phục vụ khách cho quán hơn 7 năm rồi”. Anh Bảy cảm kích: “Cái hạnh phúc của tôi là được đờn, được ca vọng cổ giữa đất khách quê người. Tiếng đờn, lời ca làm cho lòng mình ấm cúng, vơi nỗi nhớ quê hương”. Quán thêm đông khách, ai cũng đợi tới phiên được thể hiện giọng ca. MC giới thiệu bài vọng cổ quen thuộc Tình anh bán chiếu. Cả phòng đều im lặng để thưởng thức. Cũng lời ca, tiếng hát mộc mạc, cũng làn điệu vọng cổ thân thương, sâu lắng trong lòng mọi người, đã vượt biên giới đến nơi này và vẫn được trân quý. Mọi người lúc này trở nên gần gũi thân thiện với chúng tôi hơn. Vợ chồng anh Tuấn bàn kế bên đang ngồi cùng mấy người bạn qua chào hỏi làm quen. Anh bắt tay tôi không muốn buông ra: “Sáng mai tôi mời các anh ăn sáng, cà phê, sau đó về nhà tôi chơi cho biết, rồi mình nhậu một chầu bí tỉ luôn, cho đã cái tình quê hương ruột thịt”. Tôi hỏi chị Út phụ bếp của quán, sao không đưa chồng con sang đây luôn. Chị Út giãy nảy: “Úi trời, còn mồ mả ông bà, với lại ruộng nương gắn bó cả đời với mình, làm sao bỏ được mà đi. Nhiều đêm nằm nhớ nhà nước mắt ướt hết gối, quê hương thiêng liêng lắm, không quên được đâu”. Vợ chồng anh Phồn sang Campuchia lúc tuổi mới lên tám, vậy mà cũng bày tỏ, lâu lâu không về thăm bà con ở Việt Nam là lòng bứt rứt không chịu nổi”.

Có phải câu vọng cổ mang đậm tình quê hương dân tộc đã làm cho mọi người như được trở lại quê nhà, nhìn thấy lại cánh cò quê hương bay chấp chới trên cánh đồng mùa nước nổi mênh mông, có con đò nhỏ neo đậu bến quê chờ người qua sông của một thời tuổi thơ yêu dấu. Tình tự quê hương đã làm cho mọi người xích lại trong tình cảm ấm áp.

Nguyễn Tường Lộc - Huỳnh Minh Đức (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.