Ngày 14-12, Philippines chính thức đưa tàu chiến lớn nhất và tàu chở xe tăng vào hoạt động, trong bối cảnh vẫn căng thẳng với Trung Quốc về một số vấn đề liên quan biển đảo.
Ngày 14-12, tại cầu cảng ở thủ đô Manila, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III, nói rằng, việc vận hành soái hạm BRP Gregorio del Pilar (lớp Hamilton, 3.390 tấn) là biểu tượng nỗ lực quốc gia trong việc hiện đại hóa quân đội dù gặp nhiều khó khăn, nhất là về ngân sách.
Tổng thống Benigno Aquino III dự lễ đặt tên và vận hành tàu chiến lớp Hamilton hôm 14-12 |
Tại lễ vận hành soái hạm, dàn kèn đồng của hải quân chơi nhạc hùng tráng, các linh mục công giáo vẩy nước thánh lên boong tàu mới sơn lại (Philippines mua tàu Pilar cũ của Mỹ với giá hữu nghị gần 10,5 triệu USD). Tàu được trang bị nhiều súng phòng không và một máy bay trực thăng giám sát. Hải quân Philippines tuyên bố sẽ đưa chiến hạm mới ra ngoài khơi, nhất là khu vực có mỏ khí tự nhiên trữ lượng lớn.
Cũng trong ngày 14-12, các quan chức Philippines cũng trình làng chiến hạm BRP chuyên dùng để chở xe tăng và quân. Đây là loại tàu đầu tiên được lắp ráp ở Philippines.
Philippines lâu nay vẫn dựa vào Mỹ để có được máy bay, tàu tuần tra và giám sát đời mới. Tổng thống Aquino nói Philippines sẽ sớm nhận thêm một tàu chiến từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ. Ông cũng có kế hoạch mua một số máy bay chiến đấu đã qua sử dụng của Mỹ khi ông thăm nước này năm tới.
“Chúng ta đã tụt hậu quá lâu. Chúng ta không thể giám sát vùng phụ cận, chúng ta không thể giám sát xâm nhập. Chúng ta đang từng bước bắt kịp với các nước láng giềng”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, nói.
Nhiều thập kỷ qua, quân đội Philippines (quân số 125.000) tập trung giải quyết các phong trào nổi dậy, đặc biệt là của một số nhóm Hồi giáo ở miền nam nước này. Hiện nay, Philippines bắt đầu tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh Trung Quốc có một số hành động phi pháp, gây hấn ở vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, nhất là trong nửa đầu năm nay. Phía Manila cáo buộc phía Bắc Kinh bắn vào ngư dân, thả phao và cột mốc, đuổi tàu thăm dò dầu khí Philippines… Hồi tháng 3, hai tàu Trung Quốc đuổi một tàu thăm dò dầu khí của Philippines. Khi hai máy bay của không quân Philippines tới hiện trường, hai tàu Trung Quốc đã biến mất.
Theo TPO