Phía sau câu chuyện "giải cứu" nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xúc động đến rơi nước mắt khi việc “giải cứu” nông sản, đặc biệt là thanh long và dưa hấu cho nông dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đang được nhân dân cả nước tham gia nhiệt tình. Từ Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi đến TP. Hồ Chí Minh, đâu đâu cũng chứng kiến những hành động đẹp của các bạn trẻ, siêu thị, tiểu thương, khách hàng.
Đúng là dân mình “bầu bí” thực sự thương nhau. Các chợ, siêu thị ở Pleiku hay tận TP. Hồ Chí Minh chỉ bán thanh long với giá không quá 9.000 đồng/kg, dưa hấu 4.000 đồng/kg (thấp hơn rất nhiều so với ngày thường, với thời điểm này năm trước) nhằm giúp người sản xuất chứ chẳng lời lãi gì. Không xuất phát từ nhu cầu nhưng để tham gia “giải cứu”, nhiều người sẵn sàng mua 5-10 kg dưa dùng dần hoặc làm quà cho người thân, thậm chí có người mua cả hàng trăm ký chỉ để làm từ thiện…
Khách hàng mua dưa hấu tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku để hỗ trợ nông dân. Ảnh: V.T
Khách hàng mua dưa hấu tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku để hỗ trợ nông dân. Ảnh: V.T
Thời điểm này thường là mùa ăn nên làm ra của bà con nông dân các tỉnh nói trên nhưng nay vì dịch nCoV hoành hành tại Trung Quốc rồi lan sang nhiều nước khác nên con đường xuất khẩu tiểu ngạch, chính ngạch đều bị phong tỏa, dưa hấu, thanh long dồn ứ, thông quan khó khăn. Biết bao thảm cảnh diễn ra chẳng với riêng người trực tiếp làm ra trái thanh long, trái dưa mà người kinh doanh, buôn bán cũng đều xếu mếu. Sau Tết, trong buổi cà phê sáng, tôi nghe anh bạn thông tin tài xế của anh từ trước Tết hãy còn “mắc kẹt” ở cửa khẩu Móng Cái vì dưa hấu chưa xuất được. Khu vực phía Đông Nam tỉnh với hàng ngàn héc ta dưa hấu, hàng trăm tấn dưa lăn lóc phó mặc nắng mưa dù đã đến kỳ thu hoạch, thiệt hại nhiều chục tỷ đồng, nhiều người trồng dưa lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Ai mà không đau lòng, thấm thía nỗi vất vả khổ sở của người nông dân một nắng hai sương!
Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu chính của nhiều nông sản Việt Nam nhưng nay bị tắc trong thời gian dài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các thành phần kinh tế cũng đã có nhiều giải pháp tích cực “giải cứu” nông sản nói chung, thanh long, dưa hấu nói riêng. Nào là chỉ đạo các địa phương có kế hoạch lưu gốc, thu hoạch nông sản kéo dài, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nào là vận động các thành phần kinh tế vào cuộc hỗ trợ nông dân. Nào là chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, nhất là Đoàn thanh niên đứng ra kêu gọi cộng đồng hỗ trợ. Nào là xây dựng, mở rộng kho bãi đưa vào bảo quản. Nào là đầu tư cơ sở chế biến với những quy mô khác nhau, phù hợp với điều kiện từng nơi. Nào là tăng cường lực lượng, phương tiện vận chuyển, liên hệ đại lý phân phối và xuất bán nông sản ở các tỉnh thành. Nào là vận động các chợ, siêu thị, tiểu thương tham gia tiêu thụ…
Cũng ngay lúc này, nguyên nhân bế tắc trong tiêu thụ nông sản lại được đem ra mổ xẻ. Nhưng việc này không phải chỉ đến bây giờ mới xuất hiện và tính đến. Không chỉ với quy mô quốc gia, là một tỉnh khu vực kinh tế nông-lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP, Gia Lai đã ý thức rất rõ về điều này và đã dày công nghiên cứu, kiến giải bằng chiến lược và kế hoạch. Qua điều tra khảo sát, tham khảo kết quả khoa học đã có trước đó, tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết, cụ thể cho từng loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực như: cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía… Gắn phát triển vùng nguyên liệu với các nhà máy, cơ sở chế biến, tinh chế nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Rồi cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường, hỗ trợ tham gia triển lãm, hội chợ quảng bá sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm đơn hàng, ký kết hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ. Bên cạnh thị trường truyền thống, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các địa phương liên quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu phát triển thị trường phái sinh, thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ công nghệ tiên tiến, hiện đại và mang về ngoại tệ…
Tuy vậy, nhiều năm qua, kết quả mang lại vẫn chưa theo ý muốn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây cao su chưa hết khổ sở vì giá mủ xuống thấp, bên cạnh đó là tình hình thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng năng suất, chất lượng vườn cây và sản phẩm mủ. Cũng trong nhiều năm qua, dù đã được khuyến cáo nhưng các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu mủ cao su vẫn chưa nâng cao chất lượng sản phẩm, chưa chú trọng mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc. Tình trạng này cũng giống với nhiều nông sản khác, trong đó có cà phê, hồ tiêu, dưa hấu, mì… Và khi thị trường nước ngoài bế tắc, trong khi thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân vốn rất tiềm năng nhưng ít được chú trọng, khi nông sản “bí” đầu ra là cả nước lại lao vào “giải cứu”, trở thành điệp khúc kéo dài. Trên tất cả, nguyên nhân là bởi chưa bao giờ chúng ta công bằng với nhau trong thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ với quyền lợi của cả 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước để tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Vì chưa làm được điều đó nên tình trạng cung vượt cầu, vi phạm hợp đồng, được mùa mất giá, được giá mất mùa… liên tục tái diễn mà chưa biết đến khi nào mới đến hồi kết sáng sủa.
Thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn vốn là tình cảm và là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Như hiện nay đây, chúng ta đang ra sức giúp đỡ bà con nông dân làm dưa hấu, trồng thanh long. Nhưng một khi sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định và bền vững; một khi vẫn còn đó lối sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tùy tiện bất chấp bên cạnh sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước; một khi chưa có chiến lược, kế hoạch phù hợp với các giải pháp khoa học, bài bản, khả thi cùng với sự quyết liệt vào cuộc của cấp, ngành, người có trách nhiệm thì cũng có nghĩa, bài toán đầu ra nông sản vẫn còn bỏ ngỏ, bế tắc kéo dài. Thua cuộc, thất bại ngay cả trên sân nhà như đã từng cảnh báo là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Và có thể xem thất bại đầu tiên là phải thường xuyên “giải cứu” nông sản khi “bí” thị trường tiêu thụ!
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Lợi thế và quyết tâm

Lợi thế và quyết tâm

UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển hơn 160.300 căn NƠXH, gồm hơn 155.000 căn chung cư và 5.000 nhà liền kề. Trong đó, 20% số căn dành cho thuê.
Nêu cao đạo đức công vụ

Nêu cao đạo đức công vụ

Trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đề xuất tạm đình chỉ công tác với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Bò thả rông và chuyện nông dân thành thị dân

Bò thả rông và chuyện nông dân thành thị dân

Thời gian qua, nhiều phường tại TP.Đà Nẵng nỗ lực giải quyết nạn bò thả rông. Không chỉ các phường gần ngoại ô như khu vực Hòa Hiệp (Q.Liên Chiểu), Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn), mà các phường có mật độ dân cư đông đúc, ngay trung tâm như P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) cũng phiền hà từ người nuôi bò.
Lời nhắc của thiên nhiên

Lời nhắc của thiên nhiên

Hai năm qua, việc cá heo xuất hiện ở vùng biển sát bờ, chim di cư ở bán đảo Sơn Trà, các loài cò và hệ thực vật phát triển ở các bãi bồi ven sông Hàn, sông Cẩm Lệ… không chỉ làm người dân thích thú, mà còn tạo ra không khí thảo luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học.
Ngưỡng cửa vào đời

Ngưỡng cửa vào đời

Hôm qua, hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã biết kết quả cùng với những cung bậc cảm xúc vui - buồn. Trên bảng “phong thần”, năm nay, Hà Giang tiếp tục đội sổ với điểm trung bình 5,86.
Ba trụ cột cho trung tâm xử lý tin giả

Ba trụ cột cho trung tâm xử lý tin giả

Không cần phải bàn thêm điều gì về ý nghĩa của những nỗ lực đấu tranh phòng chống tin giả, ứng phó tình trạng rối loạn thông tin (information disorder) trên môi trường internet hiện nay. Nhưng cuộc chiến dài hơi và đầy khó khăn này rất cần những giải pháp tổng hợp, đồng bộ và nhất quán.
Giá trị của những lời khen

Giá trị của những lời khen

Từ tháng 5.2024, UBND Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) là địa phương đầu tiên có mô hình thư khen công dân có hành động đẹp như trả lại tài sản nhặt được… Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng có thư khen các tổ chức, cá nhân có hành động đặc biệt giúp đỡ du khách.