Bên cạnh điểm sáng kinh tế là điểm sáng nhân lực, cùng với những cơ hội và thách thức đan xen. Dự báo vùng Đông Nam Bộ vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động nhưng phải có trình độ cao thay vì lao động phổ thông.
Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ dân số vùng Đông Nam Bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 6,6% nhưng lại không đồng đều giữa các tỉnh, thành. TP HCM đứng đầu với 9,8% dân số có trình độ đại học; tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu 4,8%; Đồng Nai 3,5%, Bình Dương 2,7%. Đông Nam Bộ được đánh giá đang trong thời kỳ "dân số vàng" khi có gần 11 triệu người trên 15 tuổi. Vấn đề quan trọng hiện nay là vùng Đông Nam Bộ cần tập trung giải quyết cho được bài toán nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, trong đó có những ngành công nghệ mới đang trở thành xu thế.
TP HCM là địa phương có cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trước sự thay đổi và phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ thì nguồn nhân lực vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu; chênh lệch về kỹ năng lao động của người lao động còn cao. TP HCM không thiếu lực lượng lao động nhưng thiếu nhân lực chất lượng cao với những ngành nghề trọng điểm và yêu cầu của doanh nghiệp (DN).
Gia Lai quan tâm đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục
Ngày 15-5-2024, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 1649/QĐ-UBND, phê duyệt chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề cập vấn đề liên kết vùng để phát triển nguồn nhân lực; liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế, nhất là các ngành nghề mới gắn với công nghệ và các lĩnh vực mà TP HCM ưu tiên phát triển.
Quyết định này khẳng định tầm nhìn, tư duy chiến lược về nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và Đông Nam Bộ. Nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ không chỉ là nguồn của cải vật chất mà còn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ tạo sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng miền hay mỗi quốc gia, mà còn tạo cơ hội tiếp cận kinh tế tri thức, kinh tế số.
Cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường lao động và mở rộng hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu. Người lao động cần phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết để đón đầu các kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.
Bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ tạo cơ chế giúp DN với nhà trường có quan hệ để đào tạo sát với nhu cầu của thị trường mà cần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các DN.