Phát lệnh thông xe tuyến cao tốc huyết mạch miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 2/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát lệnh thông xe tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự  án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung nói chung và các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi nói riêng.
Lễ thông xe dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Lễ thông xe dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Hoà Bình – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà Nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành trung ương, các cơ quan của Quốc hội; Tỉnh uỷ, UBND thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; đông đảo bà con nhân dân các địa phương trong vùng dự án. Đại sứ Nhật Bản; Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam của Ngân hàng Thế giới; đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica và một số tổ chức quốc tế cũng tham dự sự kiện.
Tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với chiều dài 140km, tổng mức đầu tư trên 34,5 nghìn tỷ đồng là dự án đường cao tốc đầu tiên tại miền Trung, thuộc dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia - đường bộ cao tốc Bắc Nam.
Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông rất quan trọng đối với sự phát triển của Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là liên kết phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch giữa ba khu vực phát triển năng động và có nhiều tiềm năng, thế mạnh: Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Kinh tế mở Chu Lai và thành phố Đà Nẵng; liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân của khu vực miền Trung nói chung và các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi nói riêng.
Tuyến đường cao tốc này hoàn thành và thông xe toàn tuyến sẽ góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế (Lào - Campuchia - Việt Nam) qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển Miền Trung Việt Nam.
Ngoài ra, tuyến đường này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực vốn thường xuyên bị ngập lụt nặng nề trong mùa mưa lũ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, dương sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Bộ GTVT, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các cấp, các ngành các địa phương có tuyến đường đi qua, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành một dự án hết sức có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
“Tôi cũng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương; cảm ơn hàng nghìn hộ gia đình trong vùng dự án đi qua và chịu ảnh hưởng của dự án luôn ủng hộ chủ trương, chính sách của nhà nước trong giải phóng mặt bằng, nhường đất cho dự án”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cảm ơn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ vốn cho dự án và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện dự án.
“Việt Nam luôn trân trọng và sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn mà các nước và các đối tác đã và đang tài trợ”, Phó Thủ tướng nói.
Đảm bảo người dân được hưởng lợi từ dự án
Để bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả toàn bộ tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên tuyến (đường gom, hệ thống rào chắn, biển báo,…).
Yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong tổ chức quản lý khai thác, bảo trì công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành, sản phẩm trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với hệ thống hạ tầng giao thông mới để tận dụng cơ hội mà đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang lại, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển của các tỉnh. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để huy động nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào.
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để kịp thời hỗ trợ, phối hợp xây dựng các hạng mục công trình kết nối nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của toàn bộ tuyến đường, phục vụ kinh tế, đời sống của nhân dân.
“Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và chính quyền các địa phương cần quan tâm đến người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Phát triển đường cao tốc song song với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, để người dân được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay có ý thức chăm lo bảo dưỡng và bảo vệ các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng cho công trình, ngày càng bền vững, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thành phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt, phải tập trung hình thành một đơn vị chủ lực, có đủ năng lực, uy tín để đảm nhận những trọng trách trong việc phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong tương lai./.
Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.