Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mới trong lịch sử phong trào cách mạng địa phương.

70 năm qua, với vai trò và sứ mệnh lịch sử là đội tiên phong lãnh đạo quân và dân trong tỉnh xây dựng chính quyền cách mạng để cùng với cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có chiến thắng Đak Pơ ngày 24-6-1954 góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin (bên phải) trò chuyện với cán bộ người dân tộc thiểu số. Ảnh: ĐứC THụY
Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin (bên phải) trò chuyện với cán bộ người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy

Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lớp lớp con em trong tỉnh đã lên đường tòng quân, giết giặc. Với các phong trào “Góp lương nuôi bộ đội”, “Đánh địch bằng hầm chông bẫy đá”..., đồng bào các dân tộc ở Gia Lai sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiều người con của các dân tộc Gia Lai đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt… Nhiều chiến công hiển hách của quân và dân các dân tộc Gia Lai đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc và Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Hòa bình lập lại, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Gia Lai đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, trấn áp bọn phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đánh tan bọn xâm lược Pôn Pốt-Ieng Xa Ri trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tạo tiền đề cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

Trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 40 năm sau ngày tỉnh nhà giải phóng. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng; nắm bắt thời cơ, phát huy các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh; tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn. Nếu như năm 1975, tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội rất thiếu và lạc hậu do hậu quả của chiến tranh để lại thì đến nay, quy mô nền kinh tế tăng gấp hàng trăm lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá cao, GDP bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 13,6%/năm, gần cuối nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 12,86%. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 2.300 tỷ đồng và năm 2014 tăng lên gần 3.600 tỷ đồng. Các vùng chuyên canh cây nông nghiệp và cây công nghiệp được hình thành và phát triển nhanh, đến nay toàn tỉnh có hơn 100.000 ha cao su, 11.500 ha hồ tiêu, gần 90.000 ha cà phê… Cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư cơ bản; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Gia Lai đang trên đà phát triển trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Giáo dục-đào tạo có chuyển biến cả về quy mô và chất lượng; hệ thống trường lớp đã được xây dựng đến làng, con em đồng bào dân tộc thiểu số được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đến trường; 100% huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, cơ sở vật chất của ngành y tế từ tuyến tỉnh tới cơ sở được đầu tư nâng cấp, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác xóa đói, giảm nghèo được tổ chức thực hiện quyết liệt và đã trở thành phong trào rộng khắp được nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng; đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13,96%. Công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết chế độ cho người có công được triển khai thường xuyên, chu đáo. Chính sách dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất có nhiều tiến bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, thể theo nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, Đảng, Nhà nước đã xây dựng công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Đây là biểu tượng khắc sâu tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu.

 

 

Cùng với đó, quốc phòng-an ninh được tăng cường. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm chỗ dựa vững chắc, tin cậy đối với Đảng, chính quyền và nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển trong 70 năm qua, Đảng bộ đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng. Nếu như những ngày đầu thành lập, từ chi bộ đầu tiên với 9 đảng viên, sau ngày giải phóng năm 1976 có 10 Đảng bộ trực thuộc và 229 tổ chức cơ sở đảng với 9.142 đảng viên thì đến nay, toàn Đảng bộ có 22 Đảng bộ trực thuộc với 1.001 tổ chức cơ sở đảng với 45.951 đảng viên; đã xóa được thôn, làng, tổ dân phố “trắng” tổ chức đảng. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến, ngày càng phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhìn lại chặng đường trong 70 năm qua, càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ đi trước giao phó. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải trăn trở, phải tìm hướng đi thích hợp bởi vì những kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu và tiềm năng vẫn còn khiêm tốn và chưa đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mặt trong lĩnh vực văn hóa xã hội vẫn còn hạn chế nhưng chưa được khắc phục. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đáp ứng với mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại.

Mặt khác, những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, sự chống phá của các tổ chức phản động, nhất là của bọn phản động FULRO lưu vong đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Đó là thách thức lớn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai cần phải vượt qua. Để xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, phong phú về văn hóa tinh thần, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc và cũng là để tri ân với các thế hệ đi trước, chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết phải làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, coi đây là vấn đề then chốt, quan trọng bậc nhất của Đảng bộ. Chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiền phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, đảm bảo cho Đảng đủ sức lãnh đạo mọi mặt của tỉnh không ngừng phát triển, đặc biệt trong thời điểm đang diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, là cơ hội để củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Do đó các cấp ủy cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác nhân sự, lựa chọn những đồng chí có phẩm chất chính trị, kiên định và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng để bầu vào cấp ủy, đồng thời coi trọng việc xây dựng báo cáo chính trị-xem đây là đợt tổng kết thực tiễn sâu sắc để bổ sung lý luận, chỉ dẫn về sự lãnh đạo của Đảng đối với từng tổ chức cơ sở Đảng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động, trong hệ thống chính trị, nhằm củng cố và nâng cao niềm tin, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý chí kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân...

Đồng thời với công tác xây dựng Đảng là then chốt, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh cũng hết sức coi trọng. Do vậy trong thời gian đến, chúng ta cần tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm phát huy năng lực của từng vùng, thế mạnh của từng địa phương; cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng đồng bộ, hợp lý kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tiếp tục quan tâm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững, nhất là các ngành có lợi thế so sánh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chuyển dịch mạnh lĩnh vực dịch vụ theo hướng phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung các ngành dịch vụ có đóng góp cao cho nền kinh tế như thương mại, du lịch, tài chính-ngân hàng, viễn thông... Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ, nhất là công nghệ mới vào sản xuất; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đầu tư chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và nông thôn. Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nhanh, bền vững khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng...

Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội, tăng cường đầu tư cho giáo dục, quan tâm hơn nữa đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Chú trọng công tác thông tin truyền thông, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng-an ninh; nâng cao chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng vũ trang tỉnh. Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga”, tà đạo “Hà Mòn”, giữ vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, ổn định an ninh chính trị, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, ngăn chặn có hiệu quả vượt biên trái phép.

Với niềm phấn khởi, tự hào về những thành tựu đạt được sau 40 năm giải phóng, chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ tỉnh sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, lãnh đạo toàn dân, toàn quân nỗ lực xây dựng Gia Lai phát triển toàn diện về mọi mặt, cùng với nhân dân cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hà Sơn Nhin

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.