Một doanh nghiệp phá sản cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn, hàng vạn lao động không còn chỗ để làm việc. Cứu doanh nghiệp (DN), cũng chính là cứu cần câu cơm của người dân.
Phun khử trùng phòng chống dịch COVID-19 trên máy bay. Ảnh: L.H |
Có một câu chuyện khơi gợi cảm hứng đang được chia sẻ trên mạng xã hội, bắt đầu bằng một tin nhắn giản dị: Minh à, đang tình hình dịch khó khăn thế này các cháu cứ bán hàng đi, cô không lấy tiền (thuê nhà) mấy tháng nữa... Cháu đợt này có khỏe không”.
Minh là chủ một nhà hàng ăn uống, một trong vô vàn các DN nhỏ đang gặp khó, đang rất “không khỏe”. Còn “cô” ở đây là bác chủ nhà.
Vài dòng tin nhắn, nhưng đó là sự thông cảm sẻ chia, và đúng, đó là câu chuyện cổ tích ấm áp rất ý nghĩa trong thời điểm khó khăn này.
Trong dịch bệnh, 16.000 DN đang phải tạm ngừng hoạt động. Tệ hơn, 70% sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng.
Nhưng câu chuyện cổ tích ấy không phải là duy nhất. Có nhiều những bản tin đầy ý nghĩa dù xuất hiện chỉ rất khiêm tốn trên báo chí. Đó là Massan với việc bán một số mặt hàng nông sản không lợi nhuận để ủng hộ nông dân. Là TH, trao tặng 1 triệu ly sữa tươi cho người cách ly, các y bác sĩ. Và đặc biệt là Vingroup: 300 tỉ hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng; 20 tỉ cho các dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch bệnh.
Hôm rồi, Thủ tướng vừa gọi họ bằng một từ đầy ý nghĩa và gửi gắm: Những pháo đài.
Pháo đài chống dịch, ở ngữ nghĩa bảo vệ mình an toàn trong dịch bệnh cũng chính là đảm bảo an toàn cho người lao động, cho xã hội, cho nền kinh tế. Suy cho cùng, một DN phá sản cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn, hàng vạn lao động không còn chỗ để lao động. Một DN phá sản, như quân domino - sẽ kéo theo những khoản nợ xấu, kéo theo sự suy giảm của nền kinh tế, của sự ổn định xã hội...
Hệ lụy từ COVID-19 nói riêng mặt tài chính đã khiến 11% tổng dư nợ tương đương 926.000 tỉ đã không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Cũng may là sau “đèn xanh” của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước ngay lập tức đã đưa ra cơ chế mở hiếm có cho phép các ngân hàng thương mại được chủ động, tính toán, quyết định lại thời hạn trả nợ, chủ động miễn giảm lãi, giữ nguyên gói nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cứu DN bằng cơ chế và lãi suất tín dụng, và cả bằng giảm thuế, phí, cắt giảm tối đa những rào cản... chính là cách hữu hiệu để thực hiện tinh thần “không để kinh tế suy thoái, không để mọi người thất nghiệp, khó khăn”. Bởi suy cho cùng, muốn DN trở thành pháo đài của người lao động, pháo đài của nền kinh tế thì họ cũng cần những bàn tay chìa ra của nhà nước.
Theo Anh Đào (LĐO)