Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, một học sinh lớp 11 bị một học sinh lớp 12 đâm gục trước cổng trường vào ngày 17-9 ở Hà Giang. Một bản tin an ninh thông thường nhưng đã gây hoảng sợ cho bất cứ ai có con đang đến trường.
Đúng sai rồi sẽ được cơ quan pháp luật phán quyết nghiêm khắc và không điều gì biện hộ được cho hành vi lạnh lùng trên, bởi giết người là tội nặng nề nhất trong các tội hình sự. Vụ án này sẽ gieo rắc nỗi bất an không chỉ ở Hà Giang mà nhiều trường học ở nơi khác. Các bậc phụ huynh giờ không ai còn dám tin rằng đã hiểu con mình trong môi trường học đường, hiểu những xung khắc trong các mối quan hệ mà con mình trải qua và càng không dám tin rằng sự giáo dục mà mình trang bị đủ giữ cho con an toàn.
Những lo lắng trên không phải là sự suy diễn, phóng đại từ vụ việc cụ thể trên mà xuất phát từ những bi kịch đã diễn ra trong cả một thời gian dài. Cách đây hơn một tuần, ngày 11-9, tại một trường trung học ở TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), chỉ vì va quệt nhẹ khi dắt xe ra khỏi bãi mà một học sinh lớp 11 đã đuổi theo đâm một học sinh lớp 12 trọng thương. Trước đó, một học sinh lớp 10 ở Quảng Nam đâm chết học sinh lớp 12 vì bị đánh khi can ngăn 2 nhóm đánh nhau. Một học sinh nữ lớp 9 khác ở Hà Nội đâm chết bạn chỉ vì mâu thuẫn trong trường học...
Những vụ việc như trên đã vượt xa nỗi bất an về bạo lực học đường mà các ngành chức năng cảnh báo từ nhiều năm qua. Nó đã cụ thể và tàn nhẫn như những vụ giết người xảy ra trong xã hội nên không thể xem đây là những bột phát trong quan hệ học đường đơn thuần. Hầu hết những trẻ phạm tội xuất phát từ sự ngỗ nghịch ở gia đình, hung hăng ở trường học và chứng tỏ mình trong môi trường xã hội. Tuyên án với một học sinh phạm tội giết người là điều phải làm nhưng cũng khó hy vọng sẽ tạo ra một công dân hoàn thiện trong những tháng năm sau này.
Cách đây vài năm, tại TP HCM xảy ra một vụ cướp gây hoang mang xã hội khi một băng nhóm chặt đứt tay của một cô gái để cướp điện thoại khi đang đi trên đường. Trong phiên xử sau đó, người thân của thủ phạm chửi bới tất cả ở sân tòa và hằn học với cả nạn nhân: "Ai biểu mang đồ đắt tiền chi cho nó cướp". Câu nói này đã phần nào cho thấy nguyên do mà xã hội có thêm một người phạm tội.
Trường học là nơi đào tạo kiến thức và cả nhân cách của học sinh nhưng không thể vì đó mà quẳng trách nhiệm về tương lai của một con người cho nhà trường. Tính cách của con trẻ hình thành dần qua sự răn dạy từ gia đình, học hỏi từ trường lớp và chọn lọc thái độ từ xã hội. Chỉ chọn cho con một ngôi trường hiện đại rồi kỳ vọng chúng sẽ nên người là suy nghĩ viển vông.
Những đứa trẻ cầm dao đâm người làm cho chúng ta thất vọng, nhưng hình ảnh đó cũng là lời cảnh cáo đau xót nhất cho mỗi người và cả những nhà quản trị về sự chuẩn bị và giáo dục nhân cách của từng đứa trẻ để bước vào cuộc sống. Chúng là thủ phạm của một vụ án nhưng cũng chính là nạn nhân trong quá trình hình thành tính cách và ý thức xã hội cho tương lai.
Theo Hồ Phi (NLĐO)