Phải bỏ ngay những quy định trái phép tại các chốt kiểm soát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chốt kiểm soát vẫn giăng khắp nơi, từ Hà Nội tới TPHCM, miền Tây. Vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm COVID-19 dù Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân.

 

 22 chốt kiểm soát của Hà Nội vẫn duy trì sau Nghị quyết 128, vẫn đòi giấy xét nghiệm sau khi Bộ Y tế đã không còn yêu cầu. Ảnh: Tô Thế
22 chốt kiểm soát của Hà Nội vẫn duy trì sau Nghị quyết 128, vẫn đòi giấy xét nghiệm sau khi Bộ Y tế đã không còn yêu cầu. Ảnh: Tô Thế


22 chốt cửa ngõ Hà Nội vẫn hoạt động bình thường, vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19 âm tính có hiệu lực 72h, và nếu không có vẫn phải... quay đầu.

Đây là những gì báo chí ghi nhận hôm nay, sau khi nghị quyết 128 của Chính phủ có hiệu lực “tạm dừng toàn bộ việc thực hiện các chỉ thị 15, 16, 19”. Và sau khi Bộ Y tế có văn bản yêu cầu không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân.

Ở TPHCM, cũng thế: 12 chốt vẫn duy trì, vẫn đòi hỏi giấy xét nghiệm.

Ở miền Tây, Báo Tuổi trẻ ghi nhận chốt vẫn duy trì ở rất nhiều tỉnh khiến dân tình đi lại cực kỳ khó khăn.

“Tại sao” là câu hỏi cũng được các phóng viên ghi lại nhiều nhất ở các chốt kiểm soát.

“Tại sao Bộ Y tế không yêu cầu người dân xét nghiệm COVID-19 khi đi lại mà chốt thì vẫn đòi?”.

Và câu trả lời từ chốt là “chưa nhận được chỉ đạo của Thành phố”.

Lao Động, dẫn lời đại tá Phạm Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội giải thích: Hiện chưa có chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc bỏ chốt hay dừng kiểm tra xét nghiệm COVID-19 trước khi vào thành phố nên chưa thể tháo chốt kiểm soát.

Biện pháp duy nhất công an có thể tiến hành lúc này là “sẽ linh hoạt”, để tránh gây ùn tắc.

Tại TPHCM, thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt được Tuổi trẻ dẫn lời rằng: Có nắm được thông tin về việc không còn kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 khi di chuyển giữa các vùng. Tuy nhiên, hiện nay Phòng chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nên vẫn thực hiện việc kiểm tra như trước.

Lý do đã rõ. Là vì có phép vua nhưng vẫn phải chờ lệ làng. Là vì cái chúng ta gọi là “độ trễ chính sách”, mà không biết chừng do chính quyền... quên.

Hà Nội chẳng hạn, Công điện 21 chiều qua đã cho phép nhà hàng, quán xá được phục vụ tại chỗ, cho phép khách sạn nhà nghỉ được mở cửa trở lại..., văn bản này dài tận 4-5 trang A4, riêng mấy cái chốt với việc đi lại của dân, rồi chuyện mở cửa lại trường học của con em thì... quên, thì lờ luôn.

Giờ đây, ngay lúc này, những câu hỏi tại sao vẫn bức xúc ở khắp các chốt kiểm soát. Và câu trả lời “chưa có hướng dẫn”- dẫu đúng là như thế - là rất phũ phàng với dân.

Làm sao mà chúng ta có thể cưỡng từ đoạt lý mà nói với dân thế được.

Làm sao mà chúng ta lại quên, hoặc lờ đi, cố tình duy trì những quy định tại các chốt mà sau Nghị quyết 128 chấm dứt áp dụng các chỉ thị 15,16,19, đã trở thành trái phép như thế được?!

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-bo-ngay-nhung-quy-dinh-trai-phep-tai-cac-chot-kiem-soat-963584.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.