(GLO)- Trên đoạn cuối của hành trình gần 38 năm đầy cam go đi đòi công nhận liệt sĩ cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai (64 tuổi ở tỉnh Cà Mau) có sự đồng hành không mệt mỏi của một cụ già 79 tuổi đời, 53 tuổi Đảng ở TP. Pleiku: ông Đặng Văn Cung.
Bất bình trước vụ việc
Tiếp chúng tôi tại tư gia ở số 271 đường Phan Đình Phùng (tổ 4, phường Yên Đổ, TP. Pleiku), ông Đặng Văn Cung rất hào hứng khi đề cập đến hành trình cùng bà Nguyễn Thị Mai làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. Ở cái tuổi 79, dáng người nhỏ, mái đầu đã bạc trắng nhưng ông Cung vẫn còn nhanh nhẹn, đầy nhiệt huyết như cái thời trai trẻ của mấy chục năm về trước khi còn là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai-Kon Tum. Ông Cung từng một mình ôm ghè rượu “xông thẳng” vào trụ sở xin gặp Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh để cảm ơn về việc thành phố đã giúp xây dựng Nhà Văn hóa Thanh Thiếu nhi tỉnh Gia Lai. Trước đó, được sự phân công của lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum, ông Cung đã tháp tùng Anh hùng Núp vào gặp Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh để xin tài trợ đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa Thanh Thiếu nhi tỉnh Gia Lai.
Ông Đặng Văn Cung bên tập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. Ảnh: Đ.P |
Từ cái duyên gặp gỡ ấy, cuối năm 2012, ông Đặng Văn Cung đã xin giấy giới thiệu của Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai đến Thành ủy TP. Hồ Chí Minh để liên hệ được đến nhà riêng viếng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Lần đó, ông Cung được bà Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) tiếp chuyện và tặng quyển Tiểu sử Nguyễn Văn Linh.
Về lại Gia Lai, ngồi đọc quyển tiểu sử đến trang 293-294 có kể lại vụ án Lữ Anh Dồi, nguyên Thiếu úy, Chính trị viên phó Đại đội cơ động Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Minh Hải (nay là 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) bị đồng đội âm mưu sát hại và vu khống cho tội phản quốc, cấu kết với bọn ngụy quân, ngụy quyền tổ chức vượt biên nên bị Công an bắn chết vào lúc 13 giờ ngày 27-3-1979…
Nhờ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ đạo quyết liệt, vụ án sau 10 năm đã được làm sáng tỏ. Kẻ chủ mưu giết người và vu khống ông Lữ Anh Dồi phải chịu hình phạt 20 năm tù. Kẻ bắn chết ông Lữ Anh Dồi chịu hình phạt 18 năm tù về tội giết người… Cả 4 cấp tòa đều đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Minh Hải phục hồi mọi quyền lợi chính trị, giải quyết mọi chế độ chính sách và bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
“Đọc được câu chuyện này, tôi bức xúc lắm. Lại được biết là từ đó đến nay đã gần 40 năm chị Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi vẫn miệt mài ôm đơn đi khắp nơi đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ cho chồng mà các cấp từ tỉnh đến Trung ương cứ lừng khừng đùn đẩy trách nhiệm nên tôi quyết tâm phải vào cuộc trợ giúp một tay”-ông Cung nói.
Đời vẫn còn người tốt
Đầu năm 2013, gạt hết mọi sự can ngăn của con cái, ông già đầu bạc Đặng Văn Cung bọc theo cuốn Tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhảy xe đò xuống Cà Mau, tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi ở số 38 đường Quang Trung, khóm 5, phường 5, TP. Cà Mau.
Thấy một ông già đầu bạc trên ngực đeo đầy huân, huy chương đứng trước cửa đòi vào nhà thắp nhang cho chồng mình thì bà Mai vô cùng ngạc nhiên. “Từ trước đến giờ không hề quen biết, cũng chẳng có họ hàng thân thích gì nên tôi cũng ngại. Nhưng cảm động với việc làm của ông nên tôi rộng cửa mời ông vào nhà. Biết ông lớn tuổi lại lặn lội mấy trăm cây số như thế đến để giúp mình, tôi cảm thấy yên tâm lắm. Trong suốt mấy chục năm đi gõ cửa khắp nơi kêu oan cho chồng, tôi gặp được nhiều người tốt”-bà Mai nói lời cảm kích qua điện thoại.
Lần đó, ông Cung được bà Mai kể rõ sự tình vụ án của chồng, cung cấp các bản án của Tòa án Quân sự các cấp, những khúc mắc xung quanh chuyện bà đã nhiều lần gõ cửa các cấp chính quyền và cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương để đề nghị công nhận danh hiệu liệt sĩ cho chồng nhưng chưa có tiến triển. Ông Cung đã hướng dẫn bà Mai các thủ tục giấy tờ. Ông đã 3 đợt từ Pleiku lặn lội xuống Cà Mau để cùng bà Mai đến nhiều tòa soạn báo và nhiều cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành ở Cà Mau…
Đặc biệt, đọc cuốn Tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2006 (thuộc Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, do ông Phan Diễn-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình), ông Cung nảy ra ý định đi Hà Nội tìm ông Phan Diễn để cậy nhờ.
Tháng 7-2016, ông Cung rủ thêm ông Phạm Trung Luyến (cựu chiến binh nghỉ hưu ở TP. Pleiku) cùng với bà Mai và ông Dương Thanh Long-nhà báo tại TP. Hồ Chí Minh (là cháu gọi bà Mai bằng cô ruột) ra Hà Nội tìm đến nhà ông Phan Diễn. Khi đến nơi thì ông Phan Diễn không có nhà, ông Cung được vợ ông Phan Diễn cho số điện thoại di động để liên lạc. “Khi biết đoàn chúng tôi lặn lội ra Hà Nội về việc của ông Lữ Anh Dồi thì ông Phan Diễn rất ủng hộ. Qua điện thoại ông cho biết khi về ông sẽ gọi lại cho tôi”-ông Cung nói.
Lần ra Hà Nội đó, ông Cung gọi điện liên lạc với ông Vũ Trọng Kim (nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhờ ông Kim liên hệ với ông Đào Ngọc Dung-Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để đoàn của ông đến làm việc. Vốn trước đây ông Cung với ông Kim có quan hệ vì cùng làm Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai-Kon Tum. Ngày 11-7-2016, đoàn của ông Cung và bà Mai được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tại trụ sở Bộ. Sau đó, ông Dung đã giao cho Cục trưởng Cục Người có công soạn thảo gấp văn bản với tư cách Bộ trưởng để gửi Bộ Quốc phòng cho ý kiến về việc công nhận liệt sĩ đối với ông Lữ Anh Dồi.
Chỉ vài ngày sau khi trở về Pleiku, đang giữa trưa thì ông Cung nhận được điện thoại của ông Phan Diễn. Ông Diễn nói: “Việc này anh cứ yên tâm. Tôi sẽ làm cho đến nơi đến chốn. Nhưng vì sự việc đã xảy ra quá lâu rồi, phải bình tĩnh chờ đợi, không vội được đâu”. Sau đó, ông Cung ra Hà Nội tìm đến nhà gặp ông Phan Diễn lần nữa. Và, mới đây, ông Phan Diễn đã gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị quan tâm chỉ đạo, xem xét việc công nhận liệt sĩ, phục hồi trọn vẹn chế độ chính trị cho ông Lữ Anh Dồi.
“Một người lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn gần gũi, quan tâm đến người dân như thế tôi thấy rất yên tâm và tự tin những cố gắng của mình cùng bà Mai rồi sẽ có kết quả”-ông Cung nói.
Suốt mấy năm kiên trì chung bước cùng bà Mai theo đuổi đề nghị các cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi, ông Cung luôn tin tưởng việc làm của mình là có cơ sở. Tháng 2-2016, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các cơ quan gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra, Bảo hiểm Xã hội và Hội Cựu chiến binh tỉnh. Tại cuộc họp này, các cơ quan trên căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có được đã thống nhất đề nghị suy tôn ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Dựa trên kết luận đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cà Mau đã gửi hồ sơ đề nghị Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi.
…Theo thông tin từ ông Phan Diễn, trung tuần tháng 2 vừa rồi, Chính phủ đã chủ trì cuộc họp giữa các bộ, ngành liên quan và đi đến quyết định đồng ý truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi. “Các thủ tục thì rồi các cơ quan nhà nước họ sẽ tiến hành. Tôi mong đợi sớm được đi Cà Mau chuyến thứ 4 để được chứng kiến lễ vinh danh, truy điệu liệt sĩ Lữ Anh Dồi. Bởi tội cho gia đình ông Dồi, nhất là cho bà Mai. Đã 64 tuổi rồi, một mình bà Mai thủ tiết thờ chồng, kiên trì không mệt mỏi mấy chục năm đi đòi công lý cho chồng. Bà phải chịu nhiều tủi cực khi chồng chết, mang thai đứa con với ông Lữ Anh Dồi nhưng không giữ được…”-ông Cung nói.
Đức Phương