Ông bà tốt bụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là tên gọi cung kính của bà con mỗi khi nói về vợ chồng ông Ayun Hới-bà Siu My, hiện ở làng Vêl-làng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, xã Ia Ko, huyện Chư Sê. Ông bà có một người con ruột-Siu Ngọc, nhưng có đến 31 người con nuôi, hơn 50 người cháu nội ngoại. Tuy đông con nhiều cháu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình luôn hòa thuận, được mọi người khen ngợi.

Xung phong đi đánh Mỹ cứu nước

Ông sinh năm 1928 và lớn lên tại buôn Pu, xã Chư Păng (huyện Krông Puk, tỉnh Đak Lak). Căm thù giặc Mỹ đốt nhà, cướp của, giết người, ông xung phong đi làm liên lạc cho bộ đội từ năm 1946. Sau nhiều năm chiến đấu liên tục, năm 1954 ông được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập, rèn luyện. Năm 1960, ông biên chế vào Trung đoàn 120, Sư đoàn 304. Từ đó, ông trực tiếp tham chiến tại các chiến trường: Cánh đồng Chum (Lào), Khe Sanh (Quảng Trị), Đak Tô-Tân Cảnh… Trong trận Đak Pét (Kon Tum), ông chẳng may bị thương vào mắt, vào chân… Chữa lành các vết thương, ông được điều động về Trung đoàn 95B, Tỉnh đội Gia Lai, đóng quân ở căn cứ Dân Chủ (huyện Kbang). Năm 1989, ông nghỉ hưu rồi về ở với bà Siu My theo phong tục của người Tây Nguyên.

 

Vợ chồng ông bà Ayun Hới-Siu My. Ảnh: Hoàng Cư
Vợ chồng ông bà Ayun Hới-Siu My. Ảnh: Hoàng Cư

Ngồi nghe ông Ayun Hới tóm tắt lại thời binh nghiệp của bản thân, bà Siu My luôn tươi cười, nhất là mỗi khi ông nhắc đến địa danh căn cứ Dân Chủ. Thấy ông dừng kể, bà vui vẻ: Đầu năm 1961, bà nghe theo lời cán bộ huyện 5(huyện Chư Prông bây giờ) đi chống Mỹ cứu nước. Bà đi tiếp tế, tham gia chiến đấu cùng với bộ đội trong các trận: ngã ba Cheo Reo (huyện Chư Sê), Phú Nhơn (huyện Chư Pưh), Plei Me (huyện Chư Prông), Chư Nghé (huyện Ia Grai), Ka Nak (huyện Kbang)… Đến mùa hoa cúc quỳ nở vàng rực khắp núi rừng-đầu năm 1973, bà gặp ông ở căn cứ Dân Chủ. Khi đó, đơn vị của ông tổ chức giao lưu văn hóa-văn nghệ với đơn vị của bà. Sau thời gian làm quen, ông bà thương yêu nhau, rồi bà lấy ông làm chồng theo phong tục và được đơn vị tổ chức lễ cưới vào cuối năm 1973.

Sẵn sàng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em

Từ khi giải ngũ đến nay, ông bà đã cứu sống và nuôi dưỡng rất nhiều trẻ em. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Em thì bị tập quán ruồng bỏ. Em thì bị gia đình ngược đãi. Em thì thích nên đến nhà ông bà ăn ở 5-7 ngày rồi về lại nhà… Ngày mới về nghỉ hưu, ông được nhà bà con phía bên bà mời đến làng Đak Pớt, xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) uống rượu đám tang. Khi bước lên cầu thang gỗ, nhìn xuống gầm nhà sàn, ông thấy một đứa trẻ đỏ hỏn đang nằm thoi thóp bên xác một người phụ nữ. Ông liền chạy xuống, nhẹ nhàng đỡ đứa trẻ lên rồi cởi vội chiếc áo bộ đội đang mặc ra quấn cho đứa trẻ đỡ lạnh. Thấy vậy, mọi người đưa mắt nhìn ông như người xa lạ. Bố đứa trẻ thản nhiên: “Để em bé về atâu (thế giới hồn ma) theo mẹ nó”. Nghe vậy, ông nói với lại: “Để em bé chết theo mẹ nó là vi phạm pháp luật. Anh em không nuôi em bé thì để tôi nuôi”. Nói xong, ông ẵm em bé chạy thẳng một mạch về đến nhà. Thấy vậy, bà liền lấy nước cơm cho em bé uống. Một hồi sau nghe tiếng khóc của em bé, ông bà mới thở phào, yên tâm về tính mạng của em bé.

Một lần khác đang chạy vội vào bụi tre trú mưa, ông nhìn thấy một người phụ nữ người Kinh và đứa trẻ da dẻ tím tái nằm bất động trên vũng máu! Thấy vậy, ông ái ngại quay mặt ra hướng khác, nhưng liền nghe tiếng cháu bé khóc thét lên. Lúc này, đôi chân của ông như có phép màu nhiệm níu giữ, không thể cất bước đi. Ông đi lại gần, đưa tay vỗ nhẹ nhiều lần vào vai người thiếu phụ. Một hồi sau, người thiếu phụ đó mới tỉnh dậy. Vừa thấy ông, người thiếu phụ liền van xin giữ kín chuyện này và xin ông hãy nuôi dưỡng cháu bé. Ngay sau đó, thiếu phụ đi như chạy vào những lô cao su. Ông bế cháu bé về nhà nuôi dưỡng và cho ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, cháu bé đó đã có vợ, có con, có nhà cửa ở riêng.

Năm nay, ông đã 86 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng; bà đã 77 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông bà vẫn thường xuyên lao động và sẵn lòng dùng những đồng lương hưu của bản thân giúp đỡ các con cháu học tập, làm ruộng nương, phát triển đời sống. Tận thấy, ông bà nói đúng, làm giỏi, hay giúp đỡ người khác, bà con các thôn làng trong vùng thêm tin tưởng học tập, làm theo ông bà, đóng góp công của xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các hủ tục.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm