Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 7-2023. Trong đó, đề thi vẫn giữ ổn định như năm ngoái với lượng kiến thức nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng lên phương án sẽ tăng cường câu hỏi, nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dù chưa có thông báo chính thức về các môn sẽ đổi mới đề thi, song thông tin trên cũng khiến nhiều học sinh lớp 12 cảm thấy lo lắng; đồng thời, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nội dung kiến thức liên quan đến vận dụng thực tiễn của tổ hợp các môn thi mà mình đã lựa chọn. Em Nguyễn Yến Ngân (lớp 12A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ: Vì đăng ký bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội nên trước đây, em chỉ chú trọng nắm chắc lý thuyết trong sách giáo khoa. Do vậy, em khá lo lắng trước thông tin sẽ đổi mới đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn của Bộ GD-ĐT. Những ngày qua, em đã tra cứu các đề thi, dạng câu hỏi vận dụng trên mạng internet để ôn thêm.
Em Siu Quỳnh Anh (lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) cũng đã vạch ra thời gian biểu ôn thi phù hợp để chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, nữ sinh này “bật” chế độ ôn tập lồng ghép 3 ngày trong tuần đối với các môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học. “Để trở thành sinh viên ngành Y, trước tiên, em phải đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Vì vậy, em đang tích cực ôn tập từng ngày, chủ động thích ứng với những đổi mới của kỳ thi. Chúng em cũng mong Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc sẽ tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn ở những môn thi nào, nhất là công bố đề minh họa để chúng em có hình dung rõ ràng hơn”-Quỳnh Anh bày tỏ.
Thầy Hoàng Nhu-Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phú Thiện) nhận định: Việc tăng cường các câu hỏi mang tính thực tiễn trong đề thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những câu hỏi gần gũi thực tế sẽ giúp học sinh có cơ hội thể hiện năng lực, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống, sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tất nhiên, các trường vẫn trong tâm thế chủ động ôn tập cho học sinh, song nếu đã đổi mới thì Bộ GD-ĐT cũng cần sớm có đề minh họa để các trường lên kế hoạch, định hướng ôn thi sát với yêu cầu và đạt hiệu quả cao, nhất là những trường có đông học sinh dân tộc thiểu số.
Trước phương án đổi mới đề thi của Bộ GD-ĐT, các trường cũng đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy-học nhằm duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi so với năm 2022. Cô Ngô Thị Tuyết Mai-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) cho biết: Bên cạnh thực hiện kế hoạch, nội dung ôn tập đã được xây dựng từ đầu năm học, nhà trường còn tăng cường các giờ trải nghiệm-thực hành để giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Qua kết quả kiểm tra học kỳ I, toàn trường có 7 học sinh lớp 12 đối diện với nguy cơ rớt tốt nghiệp.
Sau 11 năm đạt tỷ lệ 100% học sinh đậu tốt nghiệp, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, quyết tâm giữ vững “phong độ” trong năm 2023. Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên thông tin: Mặc dù vị thứ xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp năm 2022 của trường không thay đổi so với năm 2021, song qua phân tích kết quả thi, nhà trường có 3 môn thi bị tụt hạng khá sâu gồm: Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Điều này đòi hỏi nhà trường phải thay đổi trong cách thức ôn tập trong năm nay để giúp học sinh nâng cao chất lượng các bài thi kể trên.
Cũng theo thầy Nguyên, nhà trường đang triển khai ôn tập trái buổi 3 tiết/tuần/môn đối với Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 2 tiết/tuần/môn đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Riêng 3 môn của Tổ hợp Khoa học xã hội, phần vì thiếu giáo viên, phần vì học sinh cơ bản đã nắm chắc kiến thức trên lớp nên nhà trường chỉ tập trung hệ thống lại sau khi kết thúc năm học. Tất cả giáo viên cốt cán, tổ trưởng tổ chuyên môn đều được bố trí tham gia dạy và ôn thi cho học sinh lớp 12. Dựa trên cơ sở phân tích chất lượng sau đợt kiểm tra học kỳ I vừa qua và những thay đổi của Bộ GD-ĐT về nội dung đề thi, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ động, linh hoạt trong tổ chức ôn tập cũng như ra đề kiểm tra, đánh giá để học sinh làm quen dần với định dạng đề thi tốt nghiệp.
Cô Nguyễn Khoa Diệu Hạnh-giáo viên Hóa học Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-cho hay: Hiện tượng hóa học trong thực tiễn rất phổ biến. Do đó, nhiệm vụ của giáo viên là xây dựng chuỗi câu hỏi liên quan để học sinh hiểu và vận dụng đúng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Giờ ôn thi tốt nghiệp môn Hóa nhờ thế cũng thú vị hơn.
Còn thầy Phạm Văn Lanh-giáo viên Sinh học Trường THPT Võ Văn Kiệt thì chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi đã xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề và sát với đối tượng học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Về phần lý thuyết, tôi sẽ giúp các em hệ thống những kiến thức trọng tâm, cốt lõi nhất ở từng bài học gắn với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm liên quan. Phần bài tập sẽ phân theo từng dạng, có bài tập mẫu kèm lời giải chi tiết và bài tập tự làm; đặc biệt, không đưa ra các bài tập quá phức tạp gây khó hiểu, tạo tâm lý chán nản trong học sinh”.
Không chỉ các trường THPT, khối giáo dục thường xuyên cũng đang nỗ lực để đạt kết quả khả quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cô Nguyễn Thị Kim Thoa-giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang-thông tin: “Chất lượng đầu vào thấp cộng với học lực của học viên không đồng đều đòi hỏi cả giáo viên lẫn học viên phải nỗ lực gấp bội nếu muốn đạt kết quả cao tại kỳ thi cuối cấp. Ở môn Ngữ văn, tôi tập trung hướng dẫn học viên làm bài ở dạng đề cương, sau đó dần phát triển thành bài hoàn chỉnh. Trong đó, chú trọng phần nghị luận xã hội gắn với những vấn đề, sự kiện thời sự nổi bật gần đây, giúp học viên tự tin thể hiện quan điểm, nhận thức của mình về cuộc sống”.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT được ngành triển khai thực hiện xuyên suốt năm học 2022-2023 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng kỳ thi, tăng dần điểm trung bình bài thi so với cả nước. Ngay từ đầu năm học, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT phân tích kết quả, đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch dạy học, nội dung ôn thi tốt nghiệp năm 2023 phù hợp với từng đơn vị và từng nhóm đối tượng học sinh. Sở GD-ĐT cũng đã ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.