Lần đầu tiên vấn đề quản lý lưu vực ba dòng sông lớn là Sê San, Sêrê Pok và Sê Kông được ba nước Đông Dương lưu tâm và hướng đến những hợp tác mang tầm chiến lược vùng. Khai thác tiềm năng, hỗ trợ sinh kế… từ đây cũng đã được đặt lên nghị trường qua các cuộc tiếp xúc cấp Chính phủ.
Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật vùng trong tăng cường năng lực hợp tác xuyên biên giới hiệu quả và phát triển dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực Sê San, Sê Kông và Sêrê Pok”, vừa được tổ chức tại TP. Pleiku là dịp để những quốc gia có thêm thông tin nhằm xây dựng một lộ trình bền vững trong việc sử dụng tài nguyên nước ở ba sông trên. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban sông Mekong Việt Nam và hai nước còn lại khu vực Đông Dương với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cùng sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững
Hệ thống ba dòng sông là chi lưu lớn của sông Mekong, đóng góp khoảng 20% lưu lượng nước vào dòng sông lớn nhất Đông Dương này. Ngoài ra, các dòng sông này là một phần khá quan trọng, nơi các đàn cá di cư và sinh sản mỗi mùa. Bởi vậy, việc khai thác nguồn nước ở ba dòng sông luôn rất nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp, môi trường, sinh kế…
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn và cùng với việc khai thác nguồn tài nguyên nước, rừng đầu nguồn bị xâm lấn khiến nhiều quốc gia phải lưu tâm. Những hoạt động nghiên cứu của cấp tiểu vùng, cấp vùng, liên vùng hay cấp quốc gia về ba dòng sông hướng đến việc tăng cường năng lực lập quy hoạch, quản lý phát triển liên ngành. Những tiêu chí này, qua sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm chuyên gia của ADB sẽ giúp quản lý tổng hợp tài nguyên nước và xuyên biên giới một cách hiệu quả.
|
Ảnh: Trần Hiếu |
Ông Trần Đức Cường-Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam nói: “Xây dựng cơ chế đối thoại xuyên biên giới, bộ tiêu chí về ảnh hưởng môi trường, nhìn nhận, xây dựng một lộ trình phát triển cho vùng này là điều rất cần thiết. Ngoài ra, cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác xuyên biên giới về việc sử dụng và đánh giá những tác động môi trường ở ba con sông này cũng được lưu tâm từ sớm trong khuôn khổ những hoạt động của các Ủy ban sông Mekong mỗi nước”.
Trong Hội thảo, nhóm chuyên gia kỹ thuật của ADB luôn nhấn mạnh đến việc trao đổi và xử lý hiệu quả thông tin để cùng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này ở mỗi quốc gia. Ông Peter John- chuyên gia về môi trường nhấn mạnh: “ba dòng sông là nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên lớn. Trung bình mỗi năm các lưu vực này tải 17 triệu tấn phù sa (trên 10% của tổng lượng phù sa sông Mekong). Lượng phù sa này mang theo dưỡng chất bồi đắp cho độ phì tự nhiên của các đồng bằng ngập lũ và nuôi trồng thủy sản trên Biển Hồ (Campuchia)… Việc khai thác, sử dụng trên ba dòng sông sẽ ảnh hưởng nhiều tính bền vững của nguồn tài nguyên này cũng như quá trình phát triển kinh tế- xã hội của cư dân sống ven các lưu vực ở mỗi quốc gia”.
Đối thoại xuyên biên giới
Một lộ trình trong việc giải quyết các vấn đề liên quan về ba dòng sông đã được đặt ra để cư dân các vùng thượng, hạ lưu của các nước khu vực Đông Dương đều hưởng lợi. Đặc biệt, sự hợp tác này còn tăng tính bền vững về khai thác các nguồn tài nguyên liên quan cũng như giảm trừ những hậu quả không mong muốn trong tương lai. Đây cũng là hoạt động cấp khu vực mà những công việc liên quan đang được Ủy ban sông Mekong xúc tiến.
Ông Richard-chuyên gia tư vấn của ADB nói rằng những hoạt động này hướng đến mục tiêu hỗ trợ xây dựng một cơ chế đối thoại hiệu quả liên vùng giữa các quốc gia cùng chung lợi ích. Vấn đề phát triển kinh tế và công bằng xã hội phải được đặt ra và giải quyết nghiêm túc, hiệu quả. Các công cụ ra chính sách, quyết định cần được quan tâm đúng mức. Những kết quả trong thảo luận từ hội thảo này sẽ được chuyển đến ở một hội thảo cấp cao hơn.
Cũng từ hội thảo này, cơ chế chia sẻ thông tin được đặt ra nhiều lần. Chẳng hạn đó là việc chia sẻ thông tin qua các kênh như đối thoại, internet… về khí tượng thủy văn liên vùng, xuyên quốc gia qua các công cụ hỗ trợ; chia sẻ thông tin về các kết luận biến đổi môi trường, khí hậu qua việc quan trắc ở từng khu vực thuộc lưu vực ba dòng sông… Từ những thông tin trên, sự đối thoại không chính thức (với người dân) và đối thoại chính thức (với chính quyền, quốc gia) sẽ đạt được hiệu quả mang tính lâu dài từ các công cụ ra quyết định cấp quốc gia, khu vực.
Tuy vậy, đây cũng chỉ là những bước đi đầu tiên để ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia hướng tới việc khai thác hiệu quả, bền vững ba dòng sông. Những định hướng, quyết sách mang tầm chiến lược và những hỗ trợ cụ thể từ mỗi nước, từ nguồn lực bên ngoài là rất cần thiết. Từ đây các nước sẽ xây dựng được một hành lang phát triển bền vững từ các lưu vực ba dòng sông nói riêng và lưu vực Mekong nói chung.