"Nút thắt" visa: Càng gỡ càng rối !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng cục Du lịch phản ứng trước đề xuất hạn chế miễn visa trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Theo mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ thu hút 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 18-19 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị đe dọa trước đề xuất hạn chế miễn thị thực nhập cảnh (visa) trong dự thảo lần 4 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) vừa được Bộ Công an trình Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Khách đến Việt Nam sẽ giảm mạnh?
Theo mục 8, bổ sung khoản 1 điều 13 dự thảo Luật số 47, quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước phải có đủ các điều kiện: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam…
Theo các chuyên gia du lịch, nếu nội dung này được thông qua sẽ đi ngược với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xét trên quan hệ đối đẳng về chính sách thị thực cho công dân, Việt Nam nói riêng và một số nước Đông Nam Á nói chung luôn đối mặt với chính sách hạn chế thị thực nhập cảnh do vấn đề nhập cư và lao động trái phép thông qua con đường du lịch. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là "cú hích" để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
 
Du khách nước ngoài tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) Ảnh: AN HIÊN
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tổng cục đã đề nghị xem xét bỏ quy định này vì sẽ không áp dụng được chính sách miễn visa đơn phương cho công dân các nước là thị trường trọng điểm như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong 24 nước được Việt Nam đơn phương miễn visa 3 năm (đến ngày 30-6-2020) có 5 nước Tây Âu (Anh, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha), miễn visa đến 31-12-2019 có 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển), 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Nga. Đây đều là những thị trường lớn của du lịch Việt Nam khi châu Âu chiếm trên 6% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Nhật Bản chiếm 5,4%, Hàn Quốc chiếm 22%, Nga chiếm 3,9%.
Nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương, các thị trường khách này đều tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2004-2018, lượng khách Nhật Bản tăng trung bình 8%/năm, Hàn Quốc tăng trung bình 20%/năm; giai đoạn từ 2005-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu tăng 9%/năm, từ tháng 7-2015 đến năm 2018, lượng khách từ các nước Bắc Âu tăng trung bình 15%/năm.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, hết ngày 31-12-2019, chính sách miễn thị thực đã được áp dụng từ 2015 sẽ hết hiệu lực đối với các nước như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển.
Ông Chính cho hay tổng lượng khách của 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga đã chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khi không còn miễn thị thực, khoảng 20% lượng khách từ các nước này sẽ bỏ qua Việt Nam. Ông Chính mong muốn 3 nước kể trên sẽ tiếp tục được gia hạn miễn thị thực trong 5 năm tiếp theo hoặc ít nhất là 3 năm.
Cần bỏ những quy định vô lý
Theo quy định đang được lấy ý kiến, người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng đây là chính sách vô lý. Nhiều khách du lịch muốn đi tour Hà Nội - Campuchia - TP HCM gặp không ít trở ngại, chẳng lẽ họ phải chờ 30 ngày mới quay lại được TP HCM. Nếu không bỏ điều kiện này, lượng khách muốn đi tour các nước quanh khu vực sẽ giảm.
Khách đi tour trên 15 ngày chiếm số lượng lớn và nhiều người mong muốn được áp dụng chính sách này. Nhưng chính sách lại ưu tiên cho khách đi từ 15 ngày trở xuống. Trước những ý kiến lo ngại cho rằng những khách được ưu đãi miễn thị thực 30 ngày lợi dụng chính sách này để lao động tại Việt Nam, Hội đồng Tư vấn du lịch đề nghị thay vì miễn thị thực 30 ngày thì nên miễn thị thực tối đa 30 ngày, nếu quốc gia nào có vấn đề thì có quy định dưới 15 ngày. Kể cả miễn thị thực vẫn có thể từ chối công dân nước nào đó có nguy cơ về mại dâm, buôn bán chất cấm, trốn ở lại… Ví dụ như Đức, một khi đã bị đưa vào danh sách đen, vi phạm luật thì đương nhiên lần sau rất khó xin vào Đức hoặc bất cứ nước nào trong khối Schengen hay Liên minh châu Âu.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Golden T Travel, cho hay ông không thấy lợi ích trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam khi chưa đủ 30 ngày so với lần xuất cảnh gần nhất. Nếu rào cản này được gỡ bỏ, khách du lịch có thể lựa chọn Việt Nam là điểm trung chuyển khách của Đông Nam Á, nối chuyến bay đến châu Âu và Úc. Với khách ở những thị trường xa như châu Âu, tour du lịch nghỉ dưỡng kéo dài trên 30 ngày là bình thường. Không những thế, quy định này còn phát sinh thủ tục hành chính phiền hà, gây tâm lý e ngại, không thoải mái đối với du khách. 
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, quan điểm của Tổng cục Du lịch là đề nghị nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực lên 30 ngày.

Yến Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.