Nữ nhà văn gốc Việt được đề cử giải Nobel thay thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nữ nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy trở thành 1 trong 4 người được đề cử cho giải Văn học mới, thay thế Nobel Văn chương bị hoãn năm nay.
Nhà văn Kim Thúy cùng tác phẩm đầu tay Ru ẢNH: CHỤP TỪ CLIP
Nhà văn Kim Thúy cùng tác phẩm đầu tay Ru ẢNH: CHỤP TỪ CLIP
Sống ở thành phố Montreal thuộc tỉnh bang Quebec (Canada), bà Kim Thúy khiến nhiều người yêu văn chương bất ngờ khi có tên trong danh sách 4 nhà văn vào vòng chung khảo của giải Văn chương mới, được lập ra nhằm thay thế giải Nobel Văn chương bị hoãn năm nay. Bà Thúy là tác giả của 3 tiểu thuyết Ru, Mãn và Vi. Những ứng viên còn lại là nhà văn Pháp Maryse Conde, tiểu thuyết gia giả tưởng người Anh Neil Gaiman và nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Tuy nhiên, ông Murakami mới đây đã rút khỏi giải thưởng để tập trung viết lách.
Giải thưởng do Viện Hàn lâm mới gồm hơn 100 nhà văn, diễn viên, nhà báo và nhà văn hóa Thụy Điển lập ra sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố không bình chọn giải Nobel Văn học 2018 vì vụ bê bối liên quan đến hội đồng xét giải.
Nữ nhà văn có 2 bằng cử nhân ngôn ngữ học và luật tại Đại học Montreal cho biết bà rất bất ngờ khi thấy mình có tên trong danh sách 47 ứng viên ban đầu và sau đó là vào vòng chung khảo, vượt qua cả những gương mặt “nặng ký” như nữ tiểu thuyết gia người Canada Margaret Atwood và tác giả bộ Harry Potter J.K.Rowling. Đề cập 3 nhà văn trong danh sách chung khảo, bà Kim Thúy chia sẻ với Hãng tin The Canadian Press: “Họ là những biểu tượng văn hóa, những nhà văn kỳ cựu, trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình”.
Sinh năm 1968 ở Sài Gòn, bà Kim Thúy cùng gia đình đến định cư tại thị trấn Granby thuộc Quebec vào năm 1979, trước khi chuyển đến ở hẳn Montreal. Trước khi bắt đầu nghiệp viết lách, bà hành nghề phiên dịch và luật sư, đồng thời từng về Hà Nội làm việc trong tầm 4 năm. Nữ nhà văn kể nhờ khoảng thời gian này mà bà hiểu hơn về quê hương cội nguồn của mình đồng thời vốn từ tiếng Việt được cải thiện đáng kể. Tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Pháp mang tên Ru của bà kể về quá trình thích nghi cuộc sống mới ở Canada của một bé gái người Việt, được xuất bản vào năm 2009 và lập tức nằm trong danh sách bán chạy ở Canada lẫn Pháp. Từng đoạt giải thưởng văn học danh giá Governor General's Literary Award của Canada năm 2010, Ru mang đậm sự ray rứt về thân phận của người Việt xa xứ cũng như thể hiện lòng yêu mến giá trị văn hóa VN của tác giả. Đến nay, cuốn tiểu thuyết đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài tiểu thuyết, bà Kim Thúy còn khiến nhiều người bất ngờ khi “trình làng” sách dạy nấu ăn. Mang tên Le Secret des Vietnamiennes (tạm dịch Bí mật của người VN), cuốn sách chứa đựng những công thức nấu món ăn Việt mà bà học được từ mẹ và các dì của mình. Phát biểu trên Đài CBC, nữ nhà văn cho hay ẩm thực quê hương luôn là phần không thể thiếu trong các tác phẩm và cuộc sống của mình. Bà cũng từng kinh doanh nhà hàng Việt ở Montreal trong nhiều năm. Bà chia sẻ thêm các công thức nấu ăn trong sách Le Secret des Vietnamiennes không mới với phần lớn người Việt nên đối tượng độc giả bà hướng đến là người nước ngoài.
Theo tờ The Guardian, Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra quyết định hoãn trao giải Nobel Văn chương 2018 sau khi ông Jean-Claude Arnault, chồng của nhà thơ Katarina Frostenson - thành viên chủ chốt của viện, bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều phụ nữ.
Về giải Văn chương mới, hơn 100 thành viên của Viện Hàn lâm mới ban đầu đề cử một danh sách gồm 47 nhà văn trên toàn thế giới, nhấn mạnh tính “phổ biến và đại chúng” rồi để công chúng bình chọn qua internet. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi hội đồng giám khảo.
Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 12.10 và người nhận giải sẽ nhận 1 triệu kronor (gần 2,9 tỉ đồng), theo tờ The New York Times. Sau đó, hội đồng giám khảo giải Văn chương mới sẽ giải tán vào tháng 12. Nobel Văn chương sẽ trở lại vào năm 2019 và Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố 2 người nhận giải để bù cho năm nay.
Huỳnh Thiềm (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.