Nơi bác sĩ chạy đua với tử thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) là nơi điều trị bệnh nhân nặng, sự sống vô cùng mong manh. Ở đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế phải chạy đua với thời gian, giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.
Tất cả vì người bệnh 
Khoa Hồi sức tích cực chống độc có 8 bác sĩ, 48 điều dưỡng, 4 hộ lý, quy mô 28 giường bệnh. Ngoài điều trị, chăm sóc, hồi sức tích cực cho bệnh nhân, Khoa còn quản lý 160 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xuyên tại bệnh viện. Bác sĩ-Trưởng khoa Kiều Văn Bước-cho biết: “Đặc thù của Khoa là nơi tập trung những bệnh nhân nặng nhất của tất cả các khoa trong bệnh viện chuyển về, nhiều bệnh nhân phải thở máy nên công việc rất nặng nề, vất vả. Trong điều kiện người nhà chỉ được vào thăm hạn chế nên nhân viên y tế còn có nhiệm vụ chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, khối lượng công việc vì vậy gần như gấp đôi so với các khoa, phòng khác. Riêng Phòng Thận nhân tạo có 18 máy lọc thận, 160 bệnh nhân chạy thận thường xuyên hoạt động từ 6 giờ sáng cho đến 4 giờ sáng hôm sau nên rất vất vả đối với các điều dưỡng viên. Công việc tại Khoa thường xuyên quá tải. Nếu đội ngũ nhân viên y tế không tâm huyết với nghề thì chắc chắn sẽ không bám trụ được”.
 Y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc thăm khám cho 1 bệnh nhân. Ảnh: N.Y
Y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc thăm khám cho 1 bệnh nhân. Ảnh: N.Y
Công tác tại Khoa được 3 năm nay, bác sĩ Đào Xuân Toàn đã bắt nhịp tốt với công việc. Theo bác sĩ Toàn, qua trường lớp và thực tế cho thấy, công việc ở đây vất vả hơn nhiều so với những gì anh nghĩ. “Việc nhiều, tần suất cao, áp lực thường trực đòi hỏi mình phải nỗ lực gấp đôi để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh”-bác sĩ Toàn nói. Còn với điều dưỡng trưởng Trần Thị Kim Chung, 24 năm gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực chống độc, chị đã vượt qua nhiều trở ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Chị cho biết: “Công việc rất vất vả, nặng nhọc. Vào ca trực đêm, các y-bác sĩ hầu như thức trắng do nhiều bệnh nhân nặng diễn biến phức tạp. Cũng có khi đuối sức nhưng chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng. Bên cạnh đó, gia đình cũng hiểu và cảm thông giúp chúng tôi thêm động lực gắn bó với nghề”.
Nhân lên niềm hy vọng
Hầu hết bệnh nhân khi được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc thì sự sống rất mong manh. “Nhưng với các y-bác sĩ, chỉ cần người bệnh còn hy vọng là chúng tôi cố gắng đến giây phút cuối cùng. Có nhiều bệnh nhân nặng, người nhà xin về nhưng bác sĩ động viên ở lại tiếp tục điều trị, nhờ đó mà qua được cửa tử. Với chúng tôi, hạnh phúc nhất là cứu sống được người bệnh. Đây cũng chính là động lực để các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục gắn bó với nghề mà mình đã chọn”-bác sĩ Bước chia sẻ. 
Năm 2019, khi sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế thêm áp lực. Thế nhưng, tập thể y-bác sĩ đã hết lòng vì người bệnh, nỗ lực điều trị, đặc biệt là không để xảy ra tử vong. Bác sĩ Bước kể lại: Đầu tháng 9-2019, Khoa tiếp nhận bệnh nhân B.T.K.T (SN 1977, trú tại thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) bị sốc sốt xuất huyết nặng. Trước đó, bệnh nhân được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Qua thăm khám, bệnh nhân bị suy hô hấp, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh… Sau xét nghiệm cho thấy, men tim cao, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết biến chứng viêm cơ tim. “Trường hợp này chuyển viện không an toàn, bệnh nhân có thể tử vong trên đường đi hoặc trở nặng hơn. Vì vậy, các bác sĩ đã tích cực điều trị tại chỗ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có lúc rơi vào tình trạng xấu, tiên lượng tử vong cao. Người nhà cũng đã chuẩn bị tình huống xấu nhất. Nhưng chúng tôi đã nỗ lực điều trị giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử”-bác sĩ Bước cho hay.
Nhận xét về  đội ngũ y-bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc, anh Nguyễn Trường Sơn (phường Hội Thương, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi đã 6 năm chạy thận nhân tạo tại bệnh viện nên có thời gian tiếp xúc nhiều với các bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây. Dù công việc bận rộn, vất vả nhưng bác sĩ, nhân viên y tế lúc nào cũng chu đáo, nhiệt tình chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Tôi rất cảm kích!”.
 NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.