Những lo ngại về lẩn tránh thuế được cảnh báo khi Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra từ năm 2018, tiếp đó là sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) từ Trung Quốc phải tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế để tránh thuế quan cao, giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại.
Chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm chuyển dịch từ các DN 100% vốn Trung Quốc, hoặc từ các DN FDI tại Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, nhiều DN sản xuất không chỉ trong ngành nhôm mà nhiều ngành sản xuất khác đã chuyển dịch một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc, chính sách đầu tư ưu đãi và chi phí lao động cạnh tranh. Không phủ nhận việc đón sóng FDI từ Trung Quốc đem lại những cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, song các DN nội địa cũng đứng trước những thách thức mới như nỗi lo bị "hàm oan", tức bị các thị trường xuất khẩu đánh thuế khi nghi ngờ Việt Nam như một điểm trung chuyển để né tránh thuế quan áp đặt từ phía nhà xuất khẩu, thông qua việc dán nhãn xuất xứ hàng hóa sai lệch. Cáo buộc phổ biến là việc nhập khẩu sản phẩm thô từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó thực hiện các khâu gia công cơ bản như cắt, định hình hoặc đánh bóng, rồi dán nhãn "Made in Vietnam" để xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.
Việc gian lận (C/O - Certificate of Origin) không chỉ ảnh hưởng đến uy tín thương mại của Việt Nam mà còn tạo ra áp lực đối với các DN chân chính tại Việt Nam. Các DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh khi phải đối mặt với các cáo buộc về xuất xứ, đồng thời có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thuế từ các thị trường lớn. Chính phủ Việt Nam đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để tránh việc gian lận C/O, bao gồm quản lý chặt chẽ quy trình cấp chứng nhận xuất xứ và tăng cường phối hợp với các đối tác quốc tế trong việc điều tra và xử lý các trường hợp gian lận. Tuy vậy, để chủ động ứng phó thách thức trên phải chăng cần sự quyết liệt, nỗ lực hơn từ các cấp thực thi. Bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm cân bằng giữa bài toán chọn lọc thu hút FDI chất lượng cao hiệu quả song hành với việc ngăn chặn hành vi lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần chủ động hướng dẫn DN Việt cách ứng phó với các vụ kiện, theo sát kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo sớm.
Về phía DN cần tìm hiểu về các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng, tuyệt đối không "tiếp tay" cho hành vi giả mạo xuất xứ, cũng như đánh giá đầy đủ chính sách trợ giá, hỗ trợ chi phí năng lượng, hỗ trợ tín dụng, tập trung sản xuất của Chính phủ Trung Quốc đối với các DN của họ... DN Việt hãy nhớ mình cũng có quyền yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu khi phát hiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đệ đơn yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xem xét khi gặp một vụ kiện mà DN thấy thiệt hại.
Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới
(Dẫn nguồn NLĐO)