(GLO)- Những năm gần đây, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai đã quan tâm tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là món quà ý nghĩa giúp các em có thêm phút giây giải trí vui vẻ và kỹ năng sống bổ ích.
Mới đây, tôi được cùng các cán bộ, điều phối viên Nhà Thiếu nhi tỉnh đến vùng biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) để tổ chức chương trình “Xuân yêu thương-Tết ấm áp” cho các em thiếu nhi. Để đến được với các em, cả đoàn đã phải vượt qua một đoạn đường khá dài, hầu hết là ổ gà... Khi đến đây, chứng kiến sự háo hức, chờ đợi của các em thiếu nhi xã Ia Mơr, cả ê kíp đã nhanh chóng triển khai công việc để sân chơi được diễn ra đúng kế hoạch. Trong chương trình, hơn 300 em thiếu nhi đã được ăn bánh kẹo và được tham gia nhiều trò chơi vận động bổ ích như: vụ mùa bội thu, tâng bóng, vòng tròn liên kết, đố vui có thưởng...
Ảnh: Sơn Mai |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tặng 50 phần quà gồm: bánh kẹo, 20 chiếc chăn ấm cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng 1 bộ trống cho Liên đội Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Những món quà tuy nhỏ nhưng lại mang đến một niềm vui lớn lao. Ông Vũ Xuân Trăng-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr chia sẻ: “Xã Ia Mơr có hơn 87% là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên ít có những sân chơi dành cho các cháu thiếu nhi. Đây là lần đầu tiên một chương trình được tổ chức dành riêng cho các cháu thiếu nhi của xã”. Còn em Siu Mai (Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) thổ lộ: “Em chưa bao giờ được vui chơi như vậy!”.
Trong năm 2015, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã phối hợp với các Huyện đoàn, Thị đoàn tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa như: xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), xã Hà Đông (huyện Đak Đoa), xã Krông Năng (huyện Krông Pa); xã Ia O (huyện Ia Grai), xã Ia Ka (huyện Chư Pah)... Với các huyện ở xa, để tổ chức được một sân chơi bài bản, việc các cán bộ, điều phối viên phải ở lại, hoặc đi về rất khuya là chuyện bình thường. Cả ê kíp mỗi người một việc, người lo phần trang trí, người lo âm thanh, ánh sáng, kịch bản, các trò chơi, câu đố vui, bánh kẹo, chuẩn bị những phần quà… Tuy nhiên, ai cũng đều nhiệt tình vì hiểu được việc làm của mình đã góp phần nhân thêm niềm vui cho các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa.
Theo chị Trần Thị Thúy Kiều-cán bộ Phòng Nghiệp vụ và Phương pháp công tác Đội, Nhà Thiếu nhi tỉnh, để tạo được sự hứng thú cho các em thiếu nhi, mỗi chương trình phải liên tục đổi mới, phù hợp với đặc điểm tuyên truyền, giáo dục, nhất là điều kiện ở cơ sở. Trong đó, phần trò chơi và các nội dung tuyên truyền đều được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, như: an ninh học đường; phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước, điện giật, những kiến thức về an toàn giao thông. Ngoài ra, cách nói và truyền đạt phải dễ hiểu, dí dỏm để các em hào hứng tham gia. Qua những chuyến công tác này, cán bộ ở cơ sở đã tiếp nhận nhiều mô hình hay để tiếp tục tổ chức các sân chơi cho thiếu nhi tại địa bàn.
Là một người tâm huyết với các sân chơi cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, bà Lê Thị Hà-Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh cho biết: Việc đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở giúp các em thiếu nhi ở các huyện, thị xã được vui chơi và hiểu biết kỹ năng sống là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt, những chương trình như thế sẽ huy động thêm các nguồn lực để giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ cố gắng tiếp tục xây dựng nhiều mô hình sân chơi cho các em không những ở thành phố mà còn ở các huyện, thị xã.
Sơn Mai