Niềm vui từ những cây cầu dân sinh ở Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chiếc cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc thuộc dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã giúp người dân các xã vùng khó của huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi lại an toàn, thuận tiện.
Mùa mưa lũ năm nay, anh Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho) không còn phải vất vả vượt suối để đi làm rẫy mỗi ngày vì đã có cây cầu bê tông kiên cố, vững chãi bắc qua suối Đak Pơ Pho. Gia đình anh có 1,3 ha đất sản xuất ở bên kia cầu. Mùa mưa, nước suối dâng cao chia cắt con đường duy nhất dẫn đến khu vực sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây. Có người liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà. Điều này rất nguy hiểm. Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản thường xuyên bị ùn ứ.
“Chỉ cần một cơn mưa, phải chờ 2-3 ngày khi nước rút bớt thì xe công nông mới có thể vượt suối. Giờ có cây cầu chúng tôi không còn lo sợ hiểm nguy rình rập, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình”-anh Song cho hay.  
Phấn khởi đi trên cầu vừa mới hoàn thành, anh Đinh Sơn (cùng thôn) chia sẻ: Gia đình anh cũng có rẫy mì bên kia suối. Vào mùa mưa lũ, dòng nước chảy xiết từng là nỗi ám ảnh của người dân. “Từ nay, bà con có thể yên tâm đi lại, xe ô tô chở hàng hóa, nông sản có thể chạy bon bon trên cầu. Việc trồng trọt của bà con chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều”-anh Sơn vui vẻ nói.
Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-thông tin: Cầu Đak Pơ Pho rộng 3,5 m, dài 24 m được hoàn thành giữa năm 2020. Cây cầu đã kết nối tuyến giao thông từ xã đến khu sản xuất rộng hơn 200 ha của người dân thôn 3.
Ông Giàu khẳng định: “Cây cầu dân sinh này đã đáp ứng mong đợi lâu nay của người dân. Từ khi có cây cầu, việc đi lại, vận chuyển nông sản được đảm bảo, cuộc sống của người dân trong xã dần ổn định. Công trình cũng tạo liên kết giữa các vùng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn của địa phương”.
Cây cầu dân sinh giúp các hộ dân xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đi lại thuận tiện, yên tâm sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn
Cây cầu dân sinh giúp các hộ dân xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đi lại thuận tiện, yên tâm sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn
Trước đó, cuối năm 2019, cầu dân sinh làng Hrach Kôn (xã Chư Krêy) thuộc dự án LRAMP cũng đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 18 m với tổng mức đầu tư 1,791 tỷ đồng.
Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy-cho biết: Làng Hrach Kôn có 45 hộ dân sinh sống với phần đất sản xuất trên 153 ha. Trước đây, vào mùa mưa, việc đi lại vô cùng khó khăn, làng thường xuyên bị cô lập bởi dòng suối chia cắt, nhiều lúc học sinh không thể đến trường. Giờ đây, bà con rất vui mừng vì đã có cầu xây kiên cố, giao thông đi lại thông suốt.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 cây cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP hoàn thành với kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng, phân bổ ở một số xã vùng khó như: cầu Hrach Kôn (Chư Krêy); cầu Pnan, Chđai (Sró); cầu Lơ Pơ (Yang Nam); cầu Đak Pơ Pho (Đak Pơ Pho) và cầu Djrao (Đak Song). Các công trình này đã hỗ trợ người dân đi lại thuận tiện, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ.
Theo ông Sơn, 6 cây cầu được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện nằm trong số 86 cây cầu được xây mới tại Gia Lai với vốn đầu tư khoảng 208 tỷ đồng nằm trong hợp phần cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP. Các cây cầu sau khi hoàn thành đều phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
“Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đầu tư 4 cây cầu, riêng huyện Kông Chro được đề nghị đầu tư xây dựng 1 cây cầu tại xã Chư Krêy và 2 cây cầu tại xã Đak Tơ Pang”-ông Sơn thông tin.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.