Những mảnh ghép Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi rất thích ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao. Ở trên cao nhìn xuống, mọi thứ được thu vào tầm mắt, những hình khối hiển hiện rõ ràng. Bao nhiêu lần từ ô cửa sổ máy bay nhìn xuống, bao nhiêu lần từ trên đỉnh một ngọn núi trông ra xa là bấy nhiêu lần tôi mường tượng cảnh vật như những bức tranh được tạo ra từ nhiều mảnh ghép khác nhau, để vừa vặn làm thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

 Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Đó là những mảnh ghép có thể nhìn bằng mắt thường. Nhưng có những mảnh ghép được ráp lại với nhau không thể nhìn thấy theo cách thông thường, mà chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan khác nhau. Tôi đã cảm nhận về nơi mình sinh sống theo chiều dài của thời gian, bằng những giác quan khác nhau như vậy. Khi thời gian trôi trên tuổi mình, mỗi một trải nghiệm lại mang đến cho tôi những góc nhìn khác nhau về một thành phố nhỏ bé nhưng để lại quá nhiều tình cảm trong lòng người.

Phố xá muôn đời là phố xá với nhà cửa san sát và tấp nập người xe. Có những buổi tan tầm, tôi cũng như bao người trên phố kẹt lại trong đám đông với những âm thanh hỗn độn. Tôi đã từng kẹt cứng giữa người xe ở một đường phố Hà Nội, Sài Gòn giữa cái nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi vã ra như tắm, khói bụi và còi xe như nuốt chửng lấy con người. Nhích từng chút để tiến lên phía trước, tôi như bị trôi theo dòng người xe một cách vô thức.

Tôi hình dung ra rằng, nếu mình cứ đứng ỳ ra đấy thì đám đông cũng sẽ tự đẩy mình trôi đi. Nhưng phố tôi không thế. Trong một khoảng không gian vừa vặn với một tỉnh lỵ miền núi cao nguyên đang phát triển, thành phố có những thời điểm cũng bị dồn ứ người xe vào giờ cao điểm. Nhưng không có cảm giác phải nhích đi từng bước. Chỉ chốc lát phố xá lại trở về vẻ thênh thang vốn có.

Pleiku mặc định trong lòng người bằng sự nhỏ bé “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Thế nhưng đã một phần tư thế kỷ, tôi vẫn chưa đặt chân dạo hết một vòng Pleiku theo đúng nghĩa về mặt địa giới hành chính. Có chăng chỉ là mấy trục đường lớn, vài địa chỉ quen gắn với những công việc thường ngày.

Nhắc đến Pleiku, người ta nhớ nhiều đến một thị xã cao nguyên phơi mình trong bụi đỏ chiến chinh, với những đoàn xe xuôi ngược lại qua và những dãy nhà lợp fibro xi măng náu mình dưới thông xanh có phần hiu hắt. Rất nhiều người giữ mãi trong ký ức mình những hình ảnh ấy và sau rất nhiều năm gắn mình với ồn ào phố thị một nơi nào đó, người ta quay trở lại Pleiku với mong ước tìm lại được những điều xưa cũ.

Ký ức về Pleiku giờ chỉ còn phảng phất nhạt nhòa ở một vài nơi, có những nơi đã trở thành phế tích. Có chăng, những ký ức cũ xưa ấy được in rất sâu đậm trong tình cảm của những người đã từng gắn bó với Pleiku và thiết tha yêu mến miền đất yên bình này.

Pleiku hôm nay đang hòa vào nhịp thở của thời cuộc, tươi mới và trẻ trung như đúng độ tuổi của mình. Một ngày thử gác lại những lo toan, tạm xa phố xá với những việc có tên và không tên bề bộn, vòng vèo một chút với Phố núi, trên những cung đường ngoại đô thênh thang, sự sống ngồn ngộn hiện ra trên vẻ xanh tươi trù phú của cà phê, hồ tiêu và bạt ngàn những cây trái khác. Đất lành chim đậu, không chỉ cư dân bản địa, mà người từ nơi khác cũng tìm đến ngày một đông, họ ở lại và góp phần tạo dựng một Pleiku như hôm nay.

Riêng trong tôi, mỗi một bước thời gian đi qua, một mảnh ghép nào đó về Pleiku lại được đặt vào đúng vị trí của bức tranh toàn cảnh để dần hoàn thiện những cảm nhận đẹp đẽ nhất của mình. Những mảnh ghép về địa lý, lịch sử, văn hóa, con người, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, cảnh vật thiên nhiên… luôn hiển hiện mồn một trong từng không gian mà tôi đang sống.

Những mảnh ghép dẫu là từ cũ xưa hoang phế hay đến hiện tại sinh sôi, dẫu là nhìn thấy bằng mắt thường hay chỉ có thể cảm nhận bằng một giác quan nào đó, tất cả với tôi, đều là những mảnh ghép hoàn hảo làm nên một Pleiku để lại rất nhiều cảm tình trong lòng người.

 ĐÀO AN DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.