Những hy sinh thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Một chiều mùa khô năm 1969, anh nói với tôi: “Em đợi tôi nhé! Giờ có cuộc họp gấp chuẩn bị cho đánh lớn nên tôi phải đi, em cứ ở hầm đợi tôi, xong việc tôi sẽ về dẫn em về nhà thăm bố mẹ”. Tôi chờ anh, chờ mãi không thấy anh về. Bên ngoài, tiếng gầm xé của bom mìn khiến tôi đứng ngồi không yên. Đến 2 giờ sáng, đồng đội khiêng anh về, tôi chết lặng nhìn anh, toàn thân anh nhuốm máu. Tôi nghĩ anh đã chết”-bà Ksor Hmyui-vợ Anh hùng Rơ Châm Ớt-bồi hồi nhớ lại hình ảnh cách đây 50 năm của người chồng quá cố sau thời khắc ông lập công lớn.
Anh hùng Rơ Châm Ớt-người đã bắn 7 quả B40, ném 1 thủ pháo trong một trận đánh diệt 8 mục tiêu và 50 tên địch đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay sau trận đánh ấy. Lúc ấy, Rơ Châm Ớt đang là Xã đội trưởng xã B5, còn bà Ksor Hmyui là nữ giao liên cừ khôi, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. 
“Em vẫn đợi anh về”
Chúng tôi rất may mắn khi được đọc cuốn hồi ký “Những năm tháng khó quên” của bà Võ Thị Thúy Cải-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai. Trong cuốn hồi ký này, bà Cải nhắc nhiều đến đồng đội, người chị em tốt của mình là nữ giao liên Ksor Hmyui (còn gọi là Mah). Lần theo từng trang hồi ký ăm ắp những ký ức về chiến tranh của bà Cải-con “chim sơn ca ngày ấy”, giữa những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà bà Ksor Hmyui ở làng Ó (xã Ia Sao, huyện Ia Grai).
Căn nhà nhỏ đóng cửa, vắng lặng. Hỏi thăm thì người hàng xóm cho hay: “Mah đi ra thăm rẫy rồi. Mấy ngày nay bà bị đau phổi nằm miết, nay khỏe mới dậy đi làm”. Chúng tôi quyết định đợi. May thay, bà về sớm. Đặt chiếc gùi nặng trĩu những bí đỏ, bắp, rau rừng… xuống sân, bà vui vẻ mời khách vào nhà. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, bà không kể về mình mà kể về chồng-Anh hùng Rơ Châm Ớt-với những kỷ niệm không thể nào quên. Ngày ấy, chiến tranh khắc nghiệt, tuy gần mà xa, cùng trong một xã nhưng 2 ông bà rất hiếm khi được gặp nhau nên dù “bắt chồng” đã 3 năm vẫn chưa có con. Bà kể: “Một chiều mùa khô năm 1969, anh nói với tôi: “Em đợi tôi nhé! Giờ có cuộc họp gấp chuẩn bị cho đánh lớn nên tôi phải đi, em cứ ở hầm đợi tôi, xong việc tôi sẽ về dẫn em về nhà thăm bố mẹ”. Tôi chờ anh, chờ mãi không thấy anh về. Bên ngoài, tiếng gầm xé của bom mìn khiến tôi đứng ngồi không yên. Đến 2 giờ sáng, đồng đội khiêng anh về, tôi chết lặng nhìn anh, toàn thân anh nhuốm máu. Tôi nghĩ anh đã chết”.
Bà Ksor Hmyui (bìa trái) kể những kỷ niệm về chồng-Anh hùng Rơ Châm Ớt . Ảnh: P.L
Bà Ksor Hmyui (bìa trái) kể những kỷ niệm về chồng-Anh hùng Rơ Châm Ớt . Ảnh: P.L
Với Anh hùng Rơ Châm Ớt, việc sống sót sau trận đánh lịch sử ấy là một kỳ tích. Sau đó, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, còn xã B5 được Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương là đơn vị Thành đồng quyết thắng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng (Lịch sử Đảng bộ huyện Ia Grai). “Theo quy định, để đảm bảo an toàn, một xạ thủ chỉ được bắn 4 quả B40, nhưng trong một trận đánh mà anh Rơ Châm Ớt đã bắn đến 7 quả nên bị áp lực khí làm máu tai và máu mắt chảy nhiều. Ai cũng nghĩ anh không sống được vì toàn thân đầm đìa máu. May mắn là anh được cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống. Nhưng đôi mắt của anh bị thương rất nặng nên mù mất 1 con bên trái”-bà Hmyui xúc động nhớ lại. Thương chồng bao nhiêu, bà Hmyui càng căm thù giặc bấy nhiêu. Biến đau thương thành hành động, bà gác lại chuyện gia đình, gác lại nỗi mong chờ nụ cười trẻ thơ để một lòng vì cách mạng (sau này ông bà có với nhau 3 người con, hiện đều có cuộc sống ổn định).
Gian lao mà anh dũng 
Trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi, ngoài những câu chuyện riêng tư đời mình, bà Hmyui còn kể về rất nhiều đồng đội, đồng chí cũ, đặc biệt là những anh bộ đội từ miền Bắc vào Tây Nguyên. Thấy chúng tôi cầm một chiếc bình tông ngắm nghía, bà giải thích: “Chiếc bình tông này là của một anh bộ đội miền Bắc tặng cho mình khi mình được kết nạp vào Đảng. Ít ngày sau anh trúng đạn, bị thương nặng và được chuyển ra Bắc điều trị nhưng không qua khỏi”. Bà cầm chiếc bình tông, tay run run chỉ cho chúng tôi xem dòng chữ “Kỷ niệm 1969” được khắc tỉ mẩn. Năm ấy, nữ giao liên Ksor Hmyui vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi. 
Tác giả chụp ảnh với mẹ và em gái Rơ Châm Plur của Anh hùng Rơ Châm Ớt. Ảnh: P.L
Tác giả chụp ảnh với mẹ và em gái Rơ Châm Plur của Anh hùng Rơ Châm Ớt. Ảnh: P.L
Bà Hmyui hồi tưởng: B5 là cửa ngõ phía Tây Bắc của Pleiku, bị quân Mỹ chiếm đóng lập ấp chiến lược Tân Giò. Chúng càn qua, quét lại, bao nhiêu bom mìn cày xới, làng mạc xơ xác. Bộ đội ta phải rút quân vào rừng. Đêm đến Hmyui cùng bà Cải, Rơ Châm Plur (em gái ông Rơ Châm Ớt) và một số phụ nữ khác trong xã đi vận động dân làng góp gạo, rau, gà để chị em mang ra rừng cho bộ đội. Kể đến đây, bà Hmyui nén tiếng thở dài, nhịp thở như tắc nghẹn trong lồng ngực: “Bà con mình mang ơn đồng bào miền Bắc nhiều lắm. Mình nhớ từng đoàn xe chở thanh niên miền Bắc vào Tây Nguyên. Họ trẻ, còn đang đi học nhưng vì miền Nam nên họ sẵn sàng lên đường nhập ngũ, có nhiều đồng chí nằm lại mãi trên vùng đất Tây Nguyên...”. 

Bà Rơ Châm H'Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Trung đội trưởng “Trung đội nữ người dân tộc Jrai”: “Khu B5 ngày ấy rất ác liệt vì là vùng đất bằng, xung quanh là rừng non, cây cối thưa thớt nên địch rất dễ kiểm soát. Nhưng nhờ các chị em giao liên ngụy trang khéo léo nên mới nắm được tình hình của địch, lo lương thực, thực phẩm cho bộ đội, điển hình như chị Hmyui, chị Cải… Các chị ấy rất gan dạ, dũng cảm, được tổ chức ghi nhận và nhiều lần tuyên dương”.


Dường như, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, những ký ức chiến tranh lại càng ào ạt ùa về, bùng cháy trong lòng những người từng đi qua một thời lửa đạn. Bà Hmyui uống ngụm nước từ chiếc bình tông ăm ắp kỷ niệm, đôi mắt rưng rưng. Rồi bà chầm chậm nói: “Chiến tranh! Mình không quên được, nó ở trong nhà theo ra rẫy và đi vào giấc ngủ! Những đồng đội của mình người đã chết, người bỏ lại chiến trường một phần cơ thể. Nhớ những lần cùng đồng đội, cùng chị Cải, chị Thu và mấy đồng chí nữa đi qua B9 (huyện Đức Cơ) gùi gạo. Đi đến khu vực rừng Ia Dơk thì nghe tiếng rên, tiến lại gần thì thấy một anh bộ đội bị thương đang nằm trên đám lá cây rừng, toàn thân kiến vàng bu kín, đám máu trên người đã khô cứng. Mấy anh em xúm lại phủi kiến rồi đỡ anh, nhưng anh vẫn mê man bất tỉnh. Chị Cải và anh Minh khiêng bộ đội về lán để cứu chữa, còn mình và chị Thu tiếp tục cuộc hành trình...”. 
Dòng hồi ức của bà Hmyui cứ thế ùa về... Những tháng cuối năm 1967, lúc ấy ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Để đảm bảo có đủ gạo, muối cung cấp cho bộ đội, ngoài vận động chị em trong xã tăng gia sản xuất, bà được tổ chức phân công cùng anh em xuống Phú Yên gùi muối, gạo. “Chúng tôi đi bộ cả tuần mới đến nơi, gùi gạo muối về phải đi hết cả con trăng. Dọc đường đi khó khăn, băng rừng vượt suối, nhất là đoạn ở đèo Chư Sê, Phú Bổn có khi chúng tôi phải ở lại cả mấy ngày vì máy bay Mỹ oanh tạc, không đi lại được. Đã vậy lại đánh vật với những cơn đói và sốt rét rừng, vàng da rụng tóc, cái chết cận kề. Phụ nữ “đến tháng” khổ lắm, cả mấy ngày cũng không được tắm rửa, tóc vón thành từng cục… Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, nhưng lúc ấy thì không sợ đâu, nghĩ đến bà con, bộ đội cần mình thì sao mà sợ được”-bà trải lòng. 
Những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời Anh hùng Rơ Châm Ớt đều tham gia cách mạng. Đó là mẹ ông, em gái ông và người vợ là nữ giao liên Ksor Hmyui. May mắn cả 3 người vẫn còn sống. Bà Rơ Châm Plur hiện là Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh làng Ó (xã Ia Sao). Bà được mệnh danh là “người giàu nhất làng” nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng hợp lý nên có của ăn của để. Khi được hỏi về bí quyết làm giàu, bà Rơ Châm Plur vui vẻ nói: “Ngày xưa chiến tranh ác liệt, dân làng cùng với Bộ đội Cụ Hồ đã đánh Mỹ để giữ đất thì khi hòa bình rồi mình phải cố gắng phát triển kinh tế chứ!”. 
Được gặp gỡ, trò chuyện và đọc những dòng hồi ký của những người phụ nữ đã đi qua chiến tranh, chúng tôi thật xúc động, tự hào. “Dòng máu đỏ sáng ngời bao huyền thoại” ấy sẽ còn chảy mãi trong thế hệ hôm nay và mai sau.
PHƯƠNG LOAN
----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.