Những hoa khôi sư phạm tài năng và xinh đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trưởng thành từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những hoa khôi hội thi 'Nét đẹp sư phạm' để lại ấn tượng vì sở hữu nhan sắc nổi bật và tài năng.

MC song ngữ duyên dáng

Tròn 10 năm đăng quang hoa khôi "Nét đẹp sư phạm" năm 2013, Lê Phương Uyên (29 tuổi) cựu sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, xúc động kể: "Thời sinh viên, ngoài việc học thì mình cũng rất thích tham gia các hoạt động, phong trào để trải nghiệm, học hỏi và rèn luyện bản thân. Mình thi "Nét đẹp sư phạm" cũng với tinh thần như vậy. Và rất vui là khi nhìn lại, tất cả những điều đó đã tạo nên một thời sinh viên đáng nhớ đối với mình".

Lê Phương Uyên. Ảnh: QUỐC HUY
Lê Phương Uyên. Ảnh: QUỐC HUY

Phương Uyên nói thêm: "Thật ra ý nghĩa lớn nhất không nằm ở danh hiệu hoa khôi mà chính là những trải nghiệm từ cuộc thi đã giúp mình trưởng thành và tự tin hơn. Từ đó mình cũng tích cực hơn với vai trò MC các chương trình lớn, nhỏ của sinh viên. Mình cảm thấy may mắn khi xuất thân từ môi trường sư phạm vì học được sự chỉn chu, ý thức và trách nhiệm. Điều này góp phần xây dựng nên tính chuyên nghiệp cho mình".

Phương Uyên bén duyên với vai trò MC từ những năm học THPT, trưởng thành với nghề qua các chương trình của Đoàn - Hội. Hiện tại khi đã đứng trên nhiều sân khấu lớn, dẫn dắt các sự kiện quốc gia, quốc tế nhưng Phương Uyên vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho các chương trình thời sinh viên.

"Gần đây mình có dịp thực hiện một chương trình về các thầy cô ở vùng cao, mình rất xúc động và ngưỡng mộ sự hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc riêng để làm nhiệm vụ "cõng chữ lên non". Xin kính chúc quý thầy cô thật nhiều sức khỏe để tiếp tục vun đắp trí thức cho các thế hệ học sinh", Phương Uyên nói.

Cô hoa khôi là tiếp viên hàng không

Đăng quang hội thi "Nét đẹp sư phạm" năm 2015, Nguyễn Thị Quỳnh Châu (28 tuổi) là một trong những hoa khôi nhiều hoài bão. Sau khi trở thành hoa khôi, Châu tiếp tục thử sức ở Hoa hậu VN 2016, Én Vàng 2016, Nữ sinh viên VN duyên dáng 2016. Từ những lần thử sức đó, Quỳnh Châu phát hiện bản thân có đam mê với việc làm MC cho các hoạt động, cuộc thi, sự kiện.

Nguyễn Thị Quỳnh Châu. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Quỳnh Châu. Ảnh: NVCC

Ngoài đam mê đứng trên sân khấu và nói trước công chúng, Quỳnh Châu còn có ước mơ được làm tiếp viên hàng không. Năm 2017 khi đang là sinh viên học song ngành ngôn ngữ Trung và Anh, Quỳnh Châu đã bắt đầu với công việc tiếp viên hàng không. Năm 2018 Quỳnh Châu tạm dừng công việc trên và trở lại giảng đường hoàn thành 2 tấm bằng cử nhân vào năm 2021. Hiện tại, Quỳnh Châu là tiếp viên của hãng hàng không Đài Loan EVA Air.

Quỳnh Châu cho biết vì đặc thù công việc phải di chuyển liên tục giữa các quốc gia với những múi giờ khác nhau, nên thường xuyên rơi vào tình trạng mất ngủ, nhịp sinh hoạt bị đảo lộn sau mỗi chuyến bay dài. Tuy nhiên, niềm đam mê với công việc đã giúp Quỳnh Châu vượt qua mọi trở ngại. "Mình muốn bay đến chân trời mới để khám phá văn hóa, trải nghiệm những điều tuyệt vời trên khắp thế giới. Và tự hào đưa hình ảnh, vẻ đẹp đất nước, truyền thống văn hóa, con người VN tới các hành khách, bạn bè quốc tế", Quỳnh Châu nói.

Luôn biết ơn những người thầy trong đời

Đăng quang hội thi "Nét đẹp sư phạm" năm 2017, Trần Lê Thảo Uyên cho biết trưởng thành trong cái "nôi" đào tạo thầy cô giáo nên rất chú trọng việc "tiên học lễ, hậu học văn". Thảo Uyên cho biết nhờ luôn sống tử tế và "biết mình biết ta" nên dù ở bất kỳ môi trường nào cũng được thương yêu.

Trần Lê Thảo Uyên. Ảnh: QUỐC HUY
Trần Lê Thảo Uyên. Ảnh: QUỐC HUY

"Hoa khôi không chỉ là danh hiệu mà còn là đòn bẩy để chính mình phấn đấu vươn lên mỗi ngày từ trong học tập đến công việc. Với mình không cần giỏi nhất nhưng phải tốt hơn mình của ngày hôm qua. Danh hiệu hoa khôi còn giúp mình có nhiều cơ hội hơn với nghề MC", Thảo Uyên nói.

Thảo Uyên nói thêm: "Các thầy cô ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã rất ân cần giúp đỡ mình trong suốt thời sinh viên. Cho đến bây giờ thầy cô vẫn luôn dõi theo, đồng hành cùng mình trên con đường sự nghiệp".

Cô giáo xinh đẹp, luôn thấu hiểu học trò

Đăng quang hoa khôi "Nét đẹp sư phạm" năm 2019, Bạch Thùy Trang (24 tuổi) hiện là giáo viên Trường TH Khai Nguyên (Q.8, TP.HCM). Thùy Trang cho biết sau cuộc thi trở nên tự tin, trau dồi được thêm những kỹ năng như: ứng xử, catwalk, nói chuyện trước đám đông… Trở thành hoa khôi giúp Thùy Trang có thêm nhiều mối quan hệ, cơ hội để hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, Thùy Trang lại chọn trở thành cô giáo vì đây là giấc mơ từ nhỏ.

Bạch Thùy Trang. Ảnh: NVCC

Bạch Thùy Trang. Ảnh: NVCC

"Chúng mình may mắn được trang bị kiến thức và kỹ năng hiện đại. Đặc biệt là về các ứng dụng công nghệ, bù đắp lại cho những thiếu thốn kinh nghiệm chuyên môn. Từ đó dễ kết nối, hòa đồng và thấu hiểu học sinh hơn. Không chỉ trong lớp học mà giáo viên gen Z chúng mình luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh các vấn đề khác, lắng nghe tâm tư tình cảm", Thùy Trang chia sẻ.

Là một giáo viên tiểu học, Thùy Trang tâm niệm thái độ tích cực luôn là yếu tố quan trọng nhất để giúp những "mầm non" của đất nước phát triển. Cô giáo trẻ cũng không ngừng trau dồi chuyên môn, chất lượng giảng dạy. Thùy Trang đang tiếp tục theo học cao học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tích cực tham gia hoạt động xã hội

Là đương kim hoa khôi "Nét đẹp sư phạm" lần thứ 21, Dương Thị Vân Anh, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đang cố gắng để hoàn thành tốt việc học và tham gia các hoạt động.

Dương Thị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Dương Thị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Vân Anh có cơ hội tham gia vào các hoạt động như: động viên, chia sẻ cùng thiếu nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM; thăm, nấu ăn và tặng quà các hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm bảo trợ người tâm thần tỉnh Bến Tre. Năm 2023, Vân Anh trở thành đại sứ truyền thông chiến dịch "Mùa hè xanh, sinh viên sư phạm làm việc tử tế theo phong cách 4.0".

"Mình đăng quang hội thi "Nét đẹp sư phạm" khi mới là sinh viên năm nhất nên còn nhiều điều thiếu sót. Mình hy vọng trong tương lai sẽ có được nhiều cơ hội để mở rộng vốn hiểu biết, tìm kiếm, khai phá giá trị của bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn. Từ đó mình có thể đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội", Vân Anh nói.

Vân Anh đang theo học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nơi được xem là cái nôi đã từng đào tạo ra rất nhiều thầy cô giáo tận tụy, yêu nghề. Vì vậy hoa khôi sư phạm luôn tâm niệm phải học hỏi, giữ gìn những đức tính tốt đẹp mà những thầy cô tại trường đã và sẽ truyền đạt.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Gia đình nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đến cảm ơn lực lượng Công an

Gia đình nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đến cảm ơn lực lượng Công an

(GLO)- Chiều 30-9, người nhà của anh Phan Minh Thắng-nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đã đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) để gửi lời cảm ơn đến toàn thể cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ giải cứu anh Thắng an toàn.

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.
Thêm một quán ăn của Gia Lai hướng về Bắc hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Thêm một quán ăn ở Gia Lai hướng về miền Bắc

(GLO)- Trong không khí cả nước cùng hướng về đồng bào miền Bắc, quán bún đậu Nàng Mơ (70 Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) đã chung tay hỗ trợ bằng cách không thu tiền ăn mà khách hàng chuyển số tiền phải thanh toán vào tài khoản Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.