Những chuyện thêu dệt về cỏ hồng ở chân núi Langbiang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Langbiang mùa nắng lạnh, cô gái người Lạch (một nhánh của dân tộc K'ho) thường diện những bộ thổ cẩm truyền thống sặc sỡ nhất đi bắt chồng cho kịp mùa Đông.
Bên kia đồi thông, Thung lũng Vàng huyền ảo, lớp cỏ hoang dại cũng vào ngày trẩy hội. Đó là loài cỏ lạ, khi thì trắng muốt như tuyết vào buổi ban sương, lúc lại nhuộm hồng rực rỡ trước ánh chiều tà vương qua vạt áo...
Từ ngày có mùa hội cỏ hồng, trên xứ Langbiang, nơi cao nguyên bỗng xuất hiện những truyền thuyết và huyền thoại lạ lẫm về loại cỏ hoang dã ấy. Ai nghe cũng đều ngạc nhiên. Người Lạch bản địa lắc đầu ngán ngẩm, nhất quyết thoái thác, không công nhận đó là huyền thoại, truyền thuyết của dân tộc mình.
Thật ra, những câu chuyện lạ được đẩy lên cao trào, tuyên bố đó là huyền thoại, truyền thuyết nhằm cố lý giải về nguồn gốc xuất hiện của một loại cỏ đẹp đã được một số văn nghệ sỹ tại TP Đà Lạt sáng tác nên. Năm 2017, lần đầu tiên loại cỏ hồng hoang dại mọc trên những triền đồi thông thoai thoải ở cao nguyên Langbiang được tổ chức thành ngày hội. 
Sự kiện này được Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Lạc Dương tổ chức. Ngay trong thời gian ấy, để gây sự chú ý, cuốn hút cho mùa hội, một số người đã sáng tác và công bố những câu chuyện liên quan đến loại cỏ hồng, và tuyên bố đó là "truyền thuyết" hoặc "huyền thoại".
Xét về mặt văn học và giá trị nghệ thuật, những câu chuyện về loại cỏ hồng được sáng tác dưới hình thức sưu tầm này không có giá trị cao, kết cấu truyện đơn giản, ngôn ngữ và cách hành văn không giống văn phong của người K'ho.
 
Cỏ hồng đã được tổ chức thành mùa hội.
Câu chuyện thứ nhất được người viết công bố với tên gọi là "Truyền thuyết cỏ hồng". Tác giả dẫn dắt dưới dạng ghi chép lại câu chuyện của người Lạch, ở vùng đất Lang biang ngàn đời, kể lại rằng: "Ngày xưa tại một buôn làng trù phú tại dãy Lang biang bên hồ Đan Kia có một vị tù trưởng giàu có, quyền lực và có cả trăm gia nhân, tráng đinh dưới tay. Ông tù trưởng có một người con gái mới lớn xinh xắn và cô đem lòng thương nhớ một chàng trai trẻ, khôi ngô là thuộc hạ của cha cô. Chàng trai kia cũng cảm mến tình cảm cô chủ nhỏ. 
Tuy nhiên, vì địa vị cách nhau quá xa, tù trưởng không muốn gả con cho người thanh niên có địa vị thấp kém. Để chứng tỏ tình yêu và chí lớn lập thân, chàng trai trẻ đã nói với người yêu rằng anh sẽ ra đi, rời buôn làng để đi nơi xa tìm kiếm cơ hội và khi nào giàu có, anh sẽ quay về hỏi xin cưới cô. Cô gái gạt nước mắt tiễn người yêu khuất dần bóng nơi phương xa.
Đông qua, Thu tàn, bao nhiêu mùa hoa nở rồi úa, bao mùa chớp bể mưa nguồn, nước lũ nhiều từ nguồn về góc bể mà bóng chàng trai năm nào vẫn biệt tăm. Cô gái chờ đợi người yêu trong nỗi u sầu, nhớ thương đến kiệt sức. 
Rồi đến một ngày cô gái đã gục xuống và biến thành một loài cỏ mà cứ đến mùa khi chàng trai rời buôn làng thì cỏ lại chuyển sang một màu hồng. Về chàng trai trẻ, sau nhiều năm trời vượt đèo xuyên rừng tìm kiếm vùng đất mới lập nghiệp thì đến một ngày nọ, chàng trai đó đã trở về với đàn trâu đông đúc hàng trăm con như một sự khẳng định sự giàu có và cũng là món quà sính lễ. 
Hỡi ôi, khi về đến buôn làng cũng là lúc chàng trai biết tin người yêu vì thương nhớ mình đã qua đời, hoá thân thành loài cỏ hồng. Đau đớn và tiếc thương, chàng trai cũng bỏ ăn bỏ uống rồi chết đi, hoá thân thành chú ngựa thẩn thơ trên đồi cỏ hồng. Truyền thuyết về loại cỏ hồng của người Lạch kể về một mối tình bất diệt, ngang trái song thuỷ chung, son sắt. Loài cỏ hồng ấy vì vậy còn lại minh chứng hay biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu lứa đôi".
Cũng trong thời gian xuất hiện "Truyền thuyết cỏ hồng" thì một văn nghệ sỹ tại Đà Lạt cho công bố "Huyền thoại cỏ hồng", cố đi tìm sự lý giải về nguồn gốc của loại cỏ này. Bản "Huyền thoại cỏ hồng" kể lại rằng: "Ngày xửa ngày xưa, ở vùng La Ngư Thượng (Đà Lạt ngày nay), có nàng Ka Hồng xinh đẹp và hiền thục nhất vùng. 
Một ngày nọ, nàng siêu lòng trước lời "ong bướm" của chàng K'Sương. "Sao đầy trời không đẹp bằng trăng/ Gái đầy vùng không đẹp bằng em". Nàng cầu hôn (theo chế độ mẫu hệ) và chàng đã chấp thuận, nhưng cha chàng thách cưới quá cao. Bao năm làm lụng cần mẫn mà không đủ lễ vật thách cưới, nàng đành đứng nhìn chàng về làm chồng cô gái khác. Đau khổ và tuyệt vọng, nàng cứ ở vậy, lao động suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ cho đến lúc kiệt sức, quyên sinh.
Trên nấm mộ nàng, mai táng ở chân đồi, mọc lên một loài cỏ rất lạ. Mùa mưa, ken dày như thảm nhung xanh khổng lồ, mùa khô hồng rực như má môi thiếu nữ (nên người đời đặt tên là cỏ hồng). 
Cảm kích trước tình yêu bất diệt của Ka Hồng, sau khi qua đời, K'Sương biến thành hạt sương, hằng đêm vương trên cỏ hồng "như lời xin lỗi", không rời xa. Chỉ đến khi mặt trời nung chảy, sương bốc hơi thành hơi nước bay về trời, để rồi đêm sau, lại biến thành sương đậu trên ngọn cỏ hồng. Thật huyền bí, nhân văn và đáng yêu biết bao. Ngày nay, chỉ ở Đà Lạt mới có đồi tuyết trắng châu Âu giữa mùa hè Việt Nam, mà không nơi nào có được".
 
Từ khi Mùa hội cỏ hồng được tổ chức bỗng xuất hiện các "truyền thuyết", "huyền thoại" về loại cỏ này.
Sau khi nghe tôi đọc lại hai truyện ngắn trên, già làng K'Long, ngụ dưới chân núi Langbiang cười ngặt nghẽo, lắc đầu, xua tay nói: "Mình sống gần 90 mùa cà phê rồi nhưng giờ mới được nghe thấy câu chuyện này!...Đó không phải là truyền thuyết của người Lạch mình đâu!..". 
Theo già lang K'long, loại cỏ hồng xuất hiện từ khi nào ở vùng Langbiang này ông không biết. Lớn lên ông đã thấy nó rồi. Vì là loài cỏ, sống hoang dại trên các triền đồi và thường chẳng mấy ai quan tâm, ngoài những người hay chăn nuôi trâu, ngựa trong vùng. 
Vài năm gần đây, loài cỏ này trở nên nổi tiếng sau khi các nhiếp ảnh gia với công nghệ kỹ thuật số ngày càng hiện đại, khi chụp lên hình trở nên lung linh, ảo diệu và chính quyền biến thành lễ hội mỗi khi vào mùa cỏ hồng nở thì loại cỏ này càng trở nên nổi tiếng. Tôi ra tới ngõ, già làng K'Long còn nói: "Người Lạch ở xứ Langbiang này không có truyền thuyết, huyền thoại nào về loại cỏ này đâu đấy!..".
Cùng chung quan điểm trên, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng cho biết, từ trước tới nay cỏ hồng dưới chân núi Langbiang chưa từng có truyền thuyết hay huyền thoại gì của người Lạch bản địa. Theo ông Hoài, năm 2017, khi UBND huyện Lạc Dương phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng tổ chức mùa hội cỏ hồng lần thứ nhất, để tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút du khách và thêm sự ly kỳ về loại cỏ này, một người trong Ban tổ chức đã sáng tác nên truyện ngắn với tên gọi "Truyền thuyết cỏ hồng". 
Cùng thời điểm trên, một văn nghệ sỹ tại Đà Lạt cũng công bố tác phẩm "Huyền thoại cỏ hồng". Sau đó, những "truyền thuyết", "huyền thoại" này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thức khiến dư luận nhầm tưởng đó chính là "truyền thuyết", "huyền thoại" của người Lạch về một loại cỏ.
Tuy nhiên, ông Sử Thanh Hoài cho biết, địa phương đã biến cỏ hồng thành một sản phẩm để thúc đẩy, phát triển du lịch và đã 3 lần thực hiện "Mùa hội cỏ hồng Langbiang" do đó cũng cần có một câu chuyện chính thức về loại cỏ này. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ phát động cuộc sáng tác liên quan đến chủ đề cỏ hồng để chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất, xem đó là nguồn tư liệu để giới thiệu về Mùa hội cỏ hồng Langbiang". 
Cũng theo ông Sử Thanh Hoài, người thẩm định, đánh giá tác phẩm phải được lập thành hội đồng, bao gồm những già làng, trưởng buôn có uy tín, trình độ và vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục tập quán của người K'ho - Lạch.
Ngô Khắc Lịch (Cảnh sát Toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.