Những chiếc xe ngựa cuối cùng ở Bảy Núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lộc cộc, lộc cộc... Từng là phương tiện vận chuyển chủ yếu tại vùng Thất Sơn vào các thế kỷ trước, những chiếc xe ngựa cũ kỹ chở bao ký ức người dân nơi đây đang dần biến mất hoàn toàn để nhường chỗ cho các loại xe hiện đại hơn.
 
Anh Chau Sóc Tha đánh xe ngựa đi tìm khách...
Dẫu biết xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều loại phương tiện hiện đại ra đời, nhưng người dân Bảy Núi vẫn không khỏi xót xa khi chứng kiến những chiếc xe ngựa đã đồng hành với bao phận người trôi vào ký ức một thời của miền biên viễn...
Từ bao đời, người dân hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang) đã quen thuộc với hình ảnh những chiếc xe ngựa lộc cộc trên đường. Nhưng thời cuộc đổi thay, phát triển, vùng sơn cước Bảy Núi giờ chỉ còn sót lại vài chiếc xe ngựa bạc màu thời gian.
Một thời lộc cộc khắp nẻo đường
Những người cao tuổi kể trước đây ngoài An Giang, một số tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre cũng từng có xe ngựa "loại sang" kiểu dáng Pháp, có mui, có đèn để chuyên chở khách. Nhưng loại xe này đã vắng bóng dần từ sau năm 1980. Và những chiếc xe ngựa ở vùng Bảy Núi còn sót lại chỉ là loại thô sơ không có mui hay được người dân gọi vui là "xe mui trần".
Dù đã quá quen thuộc với hình ảnh "cỗ xe độc mã", một con ngựa kéo theo chiếc xe chở người, chở hàng trên khắp các cung đường mòn quanh núi, nhưng đến nay vẫn chưa ai xác định được xe ngựa có mặt tại vùng Bảy Núi từ bao giờ. Nài ngựa (người điều khiển ngựa - PV) thời nay chủ yếu là đàn ông Khmer. Họ chọn làm nghề nuôi sống gia đình nên bất kể mưa nắng vẫn đều đặn lộc cộc trên đường.
 
...Và cũng có được chuyến hàng chở ống cống - Ảnh: D.QUÍ
17 năm gắn bó với chú ngựa và cỗ xe cũ kỹ, anh Chau Sóc Tha (45 tuổi, ngụ xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) ngày ngày đánh xe rong ruổi dọc các con đường trong huyện. Khách quen cần chở hàng tìm đến nhà hoặc gọi điện ngã giá để anh đánh xe đi.
Khi được hỏi vì sao không đổi nghề hoặc dùng phương tiện khác chở hàng "hợp thời" và nhanh hơn, anh Tha tâm sự: "Nghề này tuy có vẻ lạc hậu, cực chút, nhưng mình chịu khó đi tìm khách, tìm hàng thì cũng còn sống tạm được. Nuôi chú ngựa này không tốn nhiều tiền, nó chạy khỏe lắm, kéo được nhiều hàng cho mình. Mà ngựa đâu biết uống xăng, nên có thể dành chút lo cho gia đình".
Người đàn ông có gương mặt bạc màu mưa nắng này tâm sự con ngựa trắng đã gắn bó với gia đình mình gần 20 năm qua. Nó chính là "người bạn" đã đi cùng với cha anh được 5 năm trước khi ông qua đời. Và rồi nó lại tiếp tục theo người con trai đến giờ với sự quyến luyến của cả người và ngựa dành cho nhau. Anh Tha kể lúc mới ngoài 20 tuổi, việc chính của anh là làm ruộng, rảnh thì đi hái thốt nốt thuê. Lúc đó chỉ có mỗi mình cha anh đánh xe ngựa kiếm tiền.
"Cha tôi mần xe ngựa từ lúc trẻ, thấy người ta mần nên mần theo. Lúc đầu nuôi một con, được hơn chục năm thì nó yếu nên bán để mua lại con khác. Nó là con hiện giờ nè, coi vậy chớ kéo khỏe lắm. Cha mất, tui chuyển qua nghề này tới giờ luôn" - anh Tha kể cơ duyên vào nghề mưu sinh sau lưng sức ngựa.
 
Cho ngựa tạm nghỉ ngơi
Khác với ngày xưa lộc cộc khắp nơi, giờ xe ngựa vùng Bảy Núi chủ yếu chỉ chở người và hàng hóa từ các phum sóc xuống phố huyện và chở phân bón, hàng gia dụng từ thị trấn ngược lên các xã núi. 
Tuy chậm hơn so với xe có động cơ, nhưng ngựa vẫn được một số người dân nơi đây ưa thích. Bởi không ngại đường nhỏ hay địa hình gồ ghề, những chiếc xe ngựa cũ kỹ hằng ngày vẫn đều đặn lặng lẽ lên xuống các con dốc, băng qua đoạn đường đất đá chông chênh. Trong khi những người chạy xe có động cơ thường "chê" hay đòi giá cao hơn trên các cung đường xấu.
Những chiều rong ruổi viết bài này, tôi đã gặp dưới chân núi Cấm những chuyến xe ngựa lộc cộc chở lúa, gỗ, gia cầm ra chợ... Thú vị hơn, một số bà con dân tộc nơi đây vẫn còn khoái đi xe ngựa ra chợ uống cà phê, thậm chí đi đám tiệc. Một số xe ngựa còn thay thế ôtô phục vụ đưa rước dâu cho các đám cưới của đồng bào Khmer, tạo nên nét văn hóa riêng của vùng Bảy Núi.
Theo chuyện kể của anh Tha, bây giờ thỉnh thoảng mới gặp nhưng cách đây nhiều năm, người dân ở đây hay dùng xe ngựa rước dâu để tiết kiệm. "Nhà nào không có tiền thì thường lấy xe ngựa để rước dâu, đi ngoài đường thấy hoài, nhìn cũng vui. Lên xã, đi chợ cũng thấy đậu dọc trên đó, giờ hết rồi" - anh cho hay đó là kỷ niệm hồi mình còn nhỏ.
 
Người đi xe máy nhờ chở bao đồ
Những nài ngựa cuối cùng
Nếu như cách đây vài chục năm, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có khoảng 200 xe ngựa, thì hiện nay mỗi huyện chỉ còn khoảng chục chiếc. Vừa khiêng ống nước lên xe ngựa để giao hàng, anh Chau Pum Sóc (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) tâm sự: "Mấy chục năm trước, vùng Bảy Núi này không có mấy xe máy bốn bánh, thành ra dân mình chuộng xe ngựa, vừa chở hàng vừa chở người. Nhưng bây giờ có nhiều xe chở hàng hiện đại rồi, nên xe ngựa cũng giảm nhiều lắm".
Người đàn ông có 13 năm lộc cộc xe ngựa mưu sinh này tâm sự trước kia mỗi ngày anh đánh xe ngựa giao hàng và chở khách khoảng 10 chuyến thì bây giờ chỉ còn 3-4 chuyến. Tiền công tùy theo loại hàng được giao và quãng đường bao xa, mà thường dao động từ 100.000 - 400.000 đồng trên các cung đường vùng này. Thu nhập cũng tạm đủ giúp anh nuôi ba đứa con đến trường dù cái ăn, cái mặc vẫn thiếu thốn trăm bề. Vì vậy, ngoài mưu sinh bằng sức ngựa, anh Sóc còn đi cắt lúa mướn để trang trải cho gia đình.
 
Vào đường núi
Tuy nhiên, không phải ai cũng được như anh Tha, anh Sóc. Nhiều người đã sớm đầu hàng vì không chịu nổi cảnh hết thời của nghề cầm cương ngựa. Họ lần lượt bán ngựa, đổi nghề khác hoặc lên thành phố làm công nhân ở các khu công nghiệp. Những cỗ xe ngựa mục nát dần theo thời gian.
Anh Sóc trải lòng: "Tui mần quen rồi, nên cố bám được chừng nào hay chừng đó, chứ mấy người ở đây giờ ai cũng bán ngựa, bỏ đi làm công nhân trên thành phố, mà thấy vậy có khi dễ hơn. Ở đây có khi cả ngày không chở được chuyến nào. Không có đồng ra đồng vào, không biết tui còn làm cái việc này được bao lâu nữa". 
Anh nói thêm thật ra bạn bè mình nhiều người vẫn muốn gắn với những cỗ xe lộc cộc này, nhưng thu nhập từ nó ngày càng khó khăn nên họ đành buông tay cương...
Có thể duy trì xe ngựa làm du lịch
Những chú ngựa kéo xe còn chiếm được tình cảm của khách du lịch. Ngồi trên chiếc xe gỗ chậm rãi, ngắm nhìn sự bao la của núi rừng Tây Nam, và thưởng thức tiếng vó ngựa hòa lẫn tiếng reo của lục lạc trong sương sớm chính là những thứ níu chân lữ khách.

Ở vùng Bảy Núi, ngựa 3 tuổi có thể tập kéo, nhưng tốt nhất là 5 tuổi. Với đặc điểm khỏe, dẻo dai, một con ngựa có thể kéo nặng khoảng 5 người hoặc 800kg hàng hóa và vượt qua được những địa hình gồ ghề đồi núi mà các phương tiện khác khó vào.

Diệu Quí (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...
Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.