Những “bông hồng thép”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân, có những người phụ nữ dù công việc chính hàng ngày là nhân viên văn thư, nấu ăn, hay quân y thì họ vẫn thường xuyên luyện tập trong môi trường khắc nghiệt với quyết tâm rất cao để trau dồi, nâng cao ý chí, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn được giao như bao cán bộ, chiến sĩ nam tại đơn vị. Không chỉ mạnh mẽ, can trường mà những “bóng hồng” ở đơn vị đặc biệt này còn vô cùng duyên dáng, đảm việc nước, giỏi việc nhà.
Đại úy Phạm Thị Hà trong bài luyện tập võ chiến đấu đối kháng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại úy Phạm Thị Hà trong bài luyện tập võ chiến đấu đối kháng. Ảnh: QUANG PHÚC

Mạnh mẽ trên thao trường

Giữa nắng nóng như đổ lửa, trên sân tập của Đại đội 6, Đại úy Phạm Thị Hà trong chưa đầy 5 phút đã “hạ gục nhóm 5 tên lực lưỡng có trang bị vũ khí”, đây chỉ là bài tập đối kháng trong nhiều nội dung huấn luyện gian khổ tại Lữ đoàn 126. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự bất ngờ khi biết rằng, người phụ nữ mạnh mẽ kia là nhân viên nấu ăn thuộc Phòng hậu cần của Lữ đoàn 126. Trái ngược với sự mạnh mẽ, quyết liệt và dứt khoát trong từng động tác võ thuật trên thao trường, khi trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Hà khá rụt rè, dù chị đã 17 năm trong quân ngũ.

Năm 2005, sau khi học hết lớp 12, đi làm được 1 năm thì chị Hà xin vào làm nhân viên nấu ăn tại Lữ đoàn 126. Ngoài thời gian phục vụ cơm nóng, canh ngọt cho cán bộ, chiến sĩ, được sự cho phép và động viên của chỉ huy đơn vị, chị Hà đã dành nhiều thời gian để học hỏi và luyện tập võ thuật cùng đồng đội. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau thời gian dài rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, năm 2014, chị Hà vinh dự được Lữ đoàn 126 cử đi tham dự Hội thao võ chiến đấu tay không của Quân chủng Hải quân. Bất ngờ, chị giành được huy chương vàng.

Tấm huy chương vàng đầu tiên càng tiếp thêm động lực, sức mạnh cho Đại úy Phạm Thị Hà quyết tâm hơn để chinh phục những cột mốc mới. Năm 2014 và cũng là lần đầu tiên tham dự Hội thao võ chiến đấu tay không toàn quân, chị Hà đã giành được huy chương bạc. Tiếp sau đó 1 năm là tấm huy chương cao nhất, khiến các đồng nghiệp nam rất ngưỡng mộ. Đại úy Hà bộc bạch: “Chúng tôi công tác ở một đơn vị đặc thù, sẵn sàng chiến đấu rất cao, cũng như phải thực hiện những nhiệm vụ vô cùng gian khó, nguy hiểm, nên yêu cầu đặt ra cho mọi chị em của đơn vị là phải tham gia các hoạt động huấn luyện toàn diện như quân nhân nam với tiêu chí “5 giỏi”: bơi lặn giỏi, bắn giỏi, võ giỏi, tác chiến giỏi và giỏi chịu đựng khó khăn, gian khổ. Thực sự có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài bản thân chịu khó luyện tập, tôi còn nhận được sự động viên, giúp đỡ, hướng dẫn rất lớn từ các cấp chỉ huy, đồng đội và gia đình”.

Chị Hà nhớ lại thời gian đầu luyện võ thuật, vì là phụ nữ “chân yếu, tay mềm” nên không ít động tác chưa thuần thục, phản ứng chậm, khiến chị nhiều lần dính trọn những cú ra đòn mạnh mẽ của đối thủ. Những lúc đó, nhẹ cũng bầm tím khắp người, nặng thì sái tay, trật khớp chân, khiến khắp người đau nhức sau mỗi buổi luyện tập ở thao trường. “Nhiều hôm từ đơn vị về nhà, chân tay, mặt mũi thâm tím cả, con mình lại hỏi chú nào đánh mẹ thế? Những lúc đó, tôi chỉ biết mỉm cười, hay tìm cách nói sang chuyện khác để con trẻ đỡ lo. Còn trong suy nghĩ lại càng phải quyết tâm hơn nữa để nâng cao chuyên môn và bản lĩnh”, chị Hà kể.

Đặc biệt, với người phụ nữ “thép” Phạm Thị Hà, nguồn năng lượng, sức mạnh lớn nhất được tiếp thêm chính là từ ông xã, một người lính đặc công cừ khôi ở Lữ đoàn 126, kỷ lục gia về kéo xà đơn trong toàn quân. “Được chồng luôn động viên, chăm sóc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, vui vẻ, khỏe mạnh thì mọi mệt mỏi đều tan biến”, chị Hà bày tỏ và không giấu được niềm hạnh phúc to lớn.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Dù đã hẹn trước, nhưng phải gần cuối giờ chiều, chúng tôi mới gặp được “chị Tấm” - Đại úy Đinh Thị Hoa, khi chị vừa hoàn thành bài bắn súng đặc chủng chống khủng bố. Tại Lữ đoàn 126, Đại úy Hoa được xem là chị cả của các chị em ở đơn vị. Với gần 20 năm trong quân ngũ, từng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, nhưng chị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đại úy Hoa đang là quân y bếp ăn của Hải đội 1, có nhiệm vụ kiểm tra đầu vào các loại thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ.

Dù công việc khá bận và vất vả, nhưng chị Hoa vẫn hăng say luyện tập để sẵn sàng chiến đấu theo các yêu cầu của đơn vị. Không chỉ bơi lội, đánh võ giỏi, mà biệt tài đặc biệt ở Đại úy Hoa là xạ thủ. Nhớ lại cái duyên đến với súng đạn, Đại úy Hoa cho biết, sau khi vào đơn vị công tác và huấn luyện theo tiêu chí “5 giỏi” thì năm 2014, chị được cử đi Hội thao bắn súng K54 và tiểu liên AK của Quân chủng Hải quân. Ngay lần đầu tiên tham dự hội thao, Đại úy Hoa đã đoạt giải nhất bắn súng K54, sau đó chị vinh dự trở thành thành viên đội bắn chống khủng bố ở Lữ đoàn 126. Đến nay, sau nhiều năm luyện tập và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào qua các hội thao, Đại úy Hoa có thể sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, súng đạn hiện đại với tài bắn “bách phát, bách trúng” đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Không chỉ có đánh võ, bơi lội, bắn súng giỏi mà những người phụ nữ ở Lữ đoàn 126 còn là những người hát hay, múa đẹp và giành được nhiều giải thưởng cao trong các hội diễn văn nghệ của quân chủng và toàn quân. Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết các chị đều có chồng là bộ đội và thường xuyên phải xa nhà để thực hiện các nhiệm vụ. Song, những “chị Tấm, cô Tấm” ở đơn vị rất đảm đang, khéo léo, biết sắp xếp hài hòa việc chung, việc riêng. Các chị không chỉ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn tích cực thực hiện các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Mái ấm tình thương”, “Gia đình quân nhân kiểu mẫu”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” do đơn vị phát động. Chính sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ chia sẻ tích cực từ đồng đội và đơn vị mà tất cả hội viên Hội Phụ nữ của Lữ đoàn 126 luôn yên tâm công tác, tham gia tích cực vào các hoạt động của đơn vị và đặc biệt 100% gia đình hội viên đạt 4 chuẩn mực: “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”.

Theo Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 126, Hội Phụ nữ cơ sở ở đơn vị có hơn 30 hội viên đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau, nhưng dù ở lĩnh vực nào, các chị em cũng luôn đoàn kết, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần tôi luyện nên nghị lực và bản lĩnh của những “bông hồng thép” ở Lữ đoàn 126.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.