Nhớ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những buổi sáng mùa đông, khi gió mùa làm khô cong cành lá, khi lạnh giá làm xạc xào thêm những lớp bụi đường đất đỏ, tôi hay ngồi nhớ về làng và những kỷ niệm không quên. 
Tôi bắt đầu bước chân lập nghiệp ở một làng người dân tộc Jrai với rẫy nương và bạt ngàn nắng gió. Những ngây ngô trải nghiệm để trưởng thành cũng bắt đầu từ tình làng thân thiết đó, để bây giờ, tôi thầm cảm ơn vùng đất nồng hậu này, bến đậu cuộc đời tôi.
Bây giờ, làng đang vào vụ thu hái cà phê. Sẽ có từng tổ, nhóm gồm một số gia đình hái chung, đổi công nhau, hái hết ở nhà này thì chuyển sang nhà khác. Các công đoạn trải bạt dưới gốc cây, khép bạt sao cho kín để cà phê khỏi văng ra ngoài, đỡ công nhặt nhạnh hay việc xôm xôm đám lá rụng lẫn vào quả sao cho khéo để quả không lẫn vào lá ra ngoài. Công đoạn trút bạt cà phê vào từng bao tải cần thanh niên trai trẻ và sự khéo léo khi bẻ một nhánh cà phê xoáy vào đầu bao thay vì cột bằng dây, rất đẹp, rất nhanh, thuần thục để có nhiều bao cà phê lăn lóc dưới gốc cây chờ người khuân vác ra xe. Công việc có lẽ sẽ bớt mệt nhọc khi rẫy vườn tràn ngập tiếng nói cười. Những bạt cà phê đỏ tươi phơi mình dưới cái nắng sánh mật của mùa đông, dù giá cả có biến động cũng không làm mất đi niềm hân hoan trước thành quả một năm lao động của bà con.
Tôi bất chợt nhớ da diết cái vị của quả cà phê chín hái trực tiếp trên cây rồi nhằn nhằn lớp vỏ cho chất nhựa chưa bị phơi khô ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Nắm cơm đẫm giọt mồ hôi giữa mùa đông lạnh, ở rẫy nương che hướng nào cũng gió và bụi. Chỉ có nhựa cây cà phê bám vào áo quần, nhem nhuốc đôi tay trần thì không thể giấu che vào đâu được. Những hình ảnh luôn nhắc tôi trân quý công sức lao động vất vả, sự yêu mến, gần gũi, thật thà thương đến là thương. Năm nay, vì đại dịch Covid-19 kéo dài, lao động ngoài tỉnh không về làng làm thời vụ được, bà con ngoài việc nhanh chóng hái xong rẫy của nhà mình để đi hái thuê cho những công ty lớn nhỏ trên địa bàn đặng kiếm thêm thu nhập. Học sinh cũng tranh thủ những ngày nghỉ, theo người làng đi hái cà phê, không kịp về trước lúc mặt trời lặn. Tôi vẫn ước ao làm được điều gì đó hỗ trợ, chia sẻ bớt khó khăn cho những vất vả của người làng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tôi đến từng nhà để trao phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chuyến đi để lại biết bao cảm xúc vì tôi có cơ hội thấu cảm được những mảnh đời ở một nơi không xa thành phố. Tôi còn nhớ vệt dầu mỡ xe máy quệt ngang má lau giọt mồ hôi vội vã mùa đông của một phụ huynh khi chiếc xe cà tàng của anh không chịu nổ máy. Không thể liên lạc trước với phụ huynh và học sinh vì gia đình đó không có điện thoại, anh vội vã chạy về vì nghe người làng nói có cô giáo tới thăm. Anh quẹt tay vào vạt áo tới mấy lần nhưng không lau nổi vết lấm lem của sự vất vả. Tôi lại nhớ lúc trời tối đen mới tìm được nhà của một học trò khác. Căn nhà xơ xác gió, im lìm, vắng vẻ. Những hàng xóm nhiệt tình đang loay hoay tìm một chút ánh sáng nào đó thì người cha lầm lũi đi về. Ông bẽn lẽn nói nhà mất điện mấy hôm rồi, ông vừa đi tháo nước vào ruộng lúa về, hai đứa con đi hái cà phê thuê tối nay ngủ lại rẫy nhà người ta đặng mai làm sớm. Người làng vẫn thật thà và chân thành đến vậy, chưa nấu cơm ăn, chưa sửa điện thắp sáng, chưa kịp rửa cái chân bết bùn đất, ông lúng túng kể chuyện, líu ríu cảm ơn. Cái ngặt nghèo, lam lũ làm con người ta trở nên rụt rè. Thương lắm. Nếu không có sự sẻ chia, đùm bọc, người ta sẽ mãi lặng lẽ trước bộn bề, vội vã ngoài kia.
Sáng nay, Pleiku trở lạnh. Những quán cà phê bắt đầu bản nhạc mùa đông. Xoa hai bàn tay nhăn nheo vì nắng hanh vào nhau, tôi bất chợt cảm nhận hơi ấm từ những cái bắt tay thân tình trong chuyến về làng. Làng sẽ vui tươi và thắm thêm bởi những vườn hoa được chăm bón, vun trồng. Làng sẽ bớt đi những hoàn cảnh khó khăn để mà đón ngày tháng mới. Những học trò của tôi sẽ đủ phương tiện để tham gia lớp học trực tuyến, chuyên cần khi tham gia lớp học trực tiếp. Giữ mãi tấm chân tình để biết chia sẻ và yêu thương nhau hơn.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.