Nhớ hương bánh Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dưới mái nhà của biết bao gia đình Việt, những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời được gìn giữ, bồi đắp. Dù bao năm tháng qua đi, hình ảnh tuổi thơ quây quần bên bếp lửa, canh nồi bánh chưng vẫn luôn thân thuộc và thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người, là cả bầu trời thương nhớ nôn nao khi Tết về.

Lướt qua chợ phố những ngày cuối năm tấp nập mua bán, trong nắng ánh vàng của liễn treo đào, mai lấp lánh một góc đường, nối tiếp là xanh mướt của bó lá dong, lá chuối, nhánh sung, đu đủ, mãng cầu, chợt thấy thấp thoáng nét chợ quê giữa lòng phố. Có những thói quen, nhắc ta nhớ cả một thời.

Đã qua cái thời khốn khó, giờ đây, cỗ lớn, tiệc ngon dường như cả năm không thiếu. Cả năm đã vất vả ngược xuôi, nên người ta vẫn bảo nhau “Tết là để nghỉ ngơi”. Nhưng lạ kỳ, trong tâm trí tôi vẫn cứ thèm được tất bật như xưa, nhớ nồi bánh chưng xanh ngày Tết.

Ảnh: Hồ Anh Tiến
Bên nồi bánh Tết. Ảnh: Hồ Anh Tiến


Thế rồi, tôi bật dậy, đi lựa từng cái lá dong, rồi nhâm nhi cảm giác hạnh phúc ngồi ngắm nhìn bọn trẻ nhỏ thích thú lau từng chiếc lá. Chợt thấy hiện về hình ảnh của chính mình thuở bé thơ, háo hức trông chờ ngày cả nhà quây quần gói bánh. Những hạt đỗ xanh vàng ươm được đãi cẩn thận, rửa sạch nằm gọn trong rổ, từng thớ thịt ba chỉ đầy đặn được ướp tẩm thơm mùi tiêu, hành xếp cạnh thau gạo nếp trắng ngần đã ngâm no nước, xóc thêm chút muối cho đậm đà.

Tất cả đã chuẩn bị xong, cả nhà quây quần trên chiếc chiếu. Người lớn thoăn thoắt xếp lá, gói bánh. Những chiếc bánh ngon, đẹp mắt, lá cũng phải được xếp cầu kỳ. Những tấm lá to đặt ở ngoài cùng, lá nhỏ xếp ở trong cùng. Mặt sẫm của lá lại được quay vào trong để khi chín bóc ra sẽ thấy màu xanh in trên mặt bánh. Gạo, đỗ, thịt được xếp đầy, gói vuông thành sắc cạnh, minh chứng cho sự khéo léo của đôi bàn tay. Bên cạnh là tiếng trẻ nhỏ ríu ran, nghe kể sự tích bánh chưng, bánh dày chất chứa ý nghĩa sâu xa về lòng hiếu nghĩa.

Củi lửa đốt lên, bập bùng trong những đêm cuối tháng Chạp, xua đi cái lạnh lẽo, bất an, bộn bề. Gió lạnh, bên bếp lửa, nồi bánh sôi quyện mùi nếp mới quyện với mùi lá chuối, tỏa hương ngào ngạt. Nồi bánh chưng xanh cuối năm là niềm an lành của người lớn và háo hức của trẻ nhỏ trong nhà. Trong nhà rộn ràng nói cười, Tết cũng đã về ngay tới ngõ rồi.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tất cả như hòa quyện vào nhau để cùng mang đến một cái Tết thấm đượm nét văn hóa Việt ở khắp mọi nơi. Những chiếc bánh chưng xanh đã trở thành phong vị không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, là nét đẹp của mỗi nếp nhà cần được giữ gìn cho thế hệ mai sau.

NHÂM ANH

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...