Nhịp cầu kết nối dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay. Đến nay, nhiều cây cầu được xây dựng tại Gia Lai từ nguồn vốn này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp kết nối giao thương, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng được đầu tư xây dựng.

 

    Cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa) đang dần hoàn thành. Ảnh: Lê Hòa
Cầu Ia Rmok (huyện Krông Pa) đang dần hoàn thành. Ảnh: Lê Hòa

Chưa bao giờ người dân làng Đê Klanh (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, Gia Lai) lại vui mừng đến thế khi cây cầu Đê Klanh hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Đã qua rồi cảnh người dân muốn đến trung tâm xã phải đi đường vòng 3 km, học sinh đến trường cũng không phải lặn lội quãng đường 6 km. “Làng Đê Klanh có gần 300 hộ dân. Khi chưa được đầu tư xây dựng cầu, người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Vào mùa mưa bão, nước ở suối Đê Klanh chảy xiết, không ai dám đi, đành phải đi đường vòng. Làng có khoảng 300 em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT. Muốn đến trường, các em phải đi vòng qua làng Đê Hoch với chiều dài khoảng 3 km đường đất rồi đi thêm khoảng 3 km nữa. Từ khi có cầu, các em chỉ phải đi khoảng 2 km. Bà con ai cũng vui mừng”-ông Hà Văn Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong-cho biết.

Cũng chung niềm vui đó, từ tháng 5-2019, người dân buôn Ơi Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cũng đã không còn phải chịu cảnh vượt lũ vào mùa mưa bão. Việc học hành, giao thương, đi lại... từ làng ra trung tâm xã Ia Rsai thuận lợi hơn rất nhiều khi 2 cây cầu Ơi Kia 1 và Ơi Kia 2 chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Rơ Ô Tuân (buôn Chư Jú) không giấu được niềm vui: “Từ giờ việc đi lại ra trung tâm xã thuận lợi rồi, học sinh đi học cũng dễ dàng hơn. Bà con trong buôn ai cũng vui mừng”. Anh Nguyễn Hữu Bá-Tổ trưởng Tổ quản lý Dự án LRAMP tại Krông Pa-cho biết: “Krông Pa có 5 dự án gồm 3 cầu dân sinh tại xã Ia Rsai, 1 cống tại xã Ia Mlah và cầu Ia Rmok. Các công trình đều nằm tại những địa bàn khó khăn, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn. Hiện có 3 công trình đã hoàn thành, chỉ còn cầu Chư Tê ở xã Ia Rsai tiến độ đạt 80% và cầu Ia Rmok cũng đã đạt gần 90% khối lượng”.

Theo ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh, những vị trí được chọn để xây dựng cầu là các thôn, làng đặc biệt khó khăn; các xã vùng dân tộc thiểu số; vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, những nơi có kết nối với các công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế... Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có khoảng 65 cây cầu dân sinh được xây dựng và hoàn thành. Vào đầu quý I-2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp tục phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công để tiến hành thi công thêm 25 cầu dân sinh nữa tại địa bàn các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Chư Pah, Ia Grai và thị xã An Khê.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình cầu dân sinh, những cây cầu thuộc Dự án LRAMP không chỉ góp phần vào việc phát triển hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn xuống cấp, hư hỏng nặng mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.


LRAMP là dự án ODA do WB tài trợ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ có 2.174 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh, thành trên cả nước với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng (gồm vốn vay của WB trên 5.525 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 273 tỷ đồng). Về phần đối ứng của địa phương, các tỉnh có dự án đã cam kết tự huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ (chi phí này không tính trong tổng mức đầu tư dự án). Riêng tại Gia Lai, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 90 cầu dân sinh được xây mới với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng.


 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.