(GLO)- Trong buổi thảo luận tại tổ chiều 26-9, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo một cách thẳng thắn và trách nhiệm.
* Ông Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát huy tiềm năng thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp, phát triển diện tích cây trồng mang tính chủ lực như cao su, cà phê, mía đường, với diện tích, năng suất sản phẩm đạt thứ hạng cao trong khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.
Ảnh: Nguyễn Dung |
Quá trình triển khai các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các sở ngành chức năng kiểm tra, ra soát việc tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân trong các doanh nghiệp có dự án trồng cao su.
Riêng về công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn chung, nên tỉnh đồng ý cho các doanh nghiệp lùi thời gian triển khai, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nếu lúc này mà tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải làm ngay, đi vay tiền ngân hàng để làm cơ sở hạ tầng là không phù hợp.
Ảnh: Thanh Nhật |
* Ông Ksor Keng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nêu rõ: Bên cạnh những thành quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Việc phân công, theo dõi, tổng hợp kết quả và tiến độ thực hiện các giải pháp sau kiểm điểm đối với cấp uỷ cấp dưới thực hiện chưa đồng bộ. Việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu chưa hợp lý, còn tản mạn.
Nhiều cấp ủy chưa trả lời ý kiến góp ý đối với cá nhân theo quy định. Một số nội dung yêu cầu thẩm tra xác minh còn chung chung, chỉ nghe dư luận phản ánh mà không xác định đối tượng cụ thể, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, không có cơ sở kết luận. Một số nơi không xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế qua kiểm điểm mà chỉ dựa vào kết luận kiểm điểm để triển khai thực hiện, không triển khai thực hiện đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm thường chậm...
Ảnh: Thanh Nhật |
* Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: Công tác xây dựng hệ thống chính trị cần đánh giá thực chất chất lượng thực lực chính trị tại thôn, làng, tổ dân phố gắn với thể chế tự quản, tự xử, tự giải quyết, công tác vận động, tập hợp, đoàn kết như thế nào. Theo báo cáo hiện nay chỉ còn 12 thôn, làng, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, 100% thôn, làng, tổ dân phố có đảng viên nhưng cấp ủy, đảng viên chưa phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu. Nhiều khi vụ việc xảy ra ở thôn, làng nhưng bản thân các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể không nắm được, không điều hành được. Đoàn viên, hội viên, đông thật đấy nhưng tổ chức hội đem lại lợi ích, được vay vốn, đi họp có tiền thì tham gia, không thì thôi. Nhiều chủ trương, chính sách đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hiệu quả không bao nhiêu.
* Ông Đào Xuân Liên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nửa nhiệm kỳ qua là chậm. Bởi thực tế khách quan khu vực 1 vẫn phát triển không thể giảm khu vực 1 để đẩy nhanh khu vực 2, khu vực 3 được. Theo số liệu trong báo cáo năm 2011 tỷ trọng của nó chiếm trong GDP là 43,98%, năm 2013 dự kiến 39,89% (chúng ta nói con số này để đến hết nhiệm kỳ tỷ trọng khu vực 1 đạt 33%). Nếu năm 2014, 2015 cao su đi vào khai thác, mía người dân vẫn phát triển (hiện trên 30 ngàn ha) thì chắc chắn cuối nhiệm kỳ này không thể giảm xuống còn 33% được. Thực tế với tốc độ trong 3 năm vừa rồi mà đánh giá một cách chính xác thì đến hết nhiệm kỳ chuyển dịch cơ cấu của chúng ta không đạt như trong nghị quyết.
Ảnh: Nguyễn Dung |
* Bà Trần Ngọc Chi-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng: Xây dựng nông thôn mới (NTM) để tạo bộ mặt mới của nông thôn và cơ bản là nâng cao đời sống nhân dân. Nếu chúng ta cứ đặt nặng vấn đề phải đầu tư vào và có tiền thì mới xây dựng được NTM thì đúng là khó vì liên quan đến rất nhiều nguồn lực nhưng nếu rà soát lại 19 tiêu chí thấy đạt tương đối thì công nhận xã đạt chuẩn rồi tiếp tục đầu tư hoàn thiện sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ như TP. Pleiku, để có 4 xã đạt chuẩn xây dựng NTM trong năm nay phải đầu tư 40 tỷ đồng thì cũng rất khó. Ngay ở Biển Hồ chợ đã có rồi, đường cũng đáp ứng được, đó là những tiêu chí khó; còn tiêu chí về môi trường phải huy động sự tham gia hết sức quyết liệt của người dân.
Công tác xây dựng đảng có đánh giá sâu về nâng cao chất lượng TCCSĐ và ĐV nhưng cũng cần phải đánh giá sâu về công tác quy hoạch cán bộ. Vì liên quan đến công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ và liên quan đến tỷ lệ cán bộ nữ, dân tộc, trẻ. Bởi trong hạn chế chúng ta có nói vấn đề cán bộ nữ, trẻ chưa đáp ứng được, nhất là trong nhiệm kỳ vừa rồi. HĐND thì đảm bảo nhưng trong cấp ủy hoặc các ngành khối nhà nước là không đảm bảo nên đề nghị cần đánh giá sâu. Nếu không thì không thấy hết được công tác cán bộ hiện nay như thế nào để nửa nhiệm kỳ còn lại chúng ta chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ tới.
Ảnh: Nguyễn Dung |
* Ông Dương Tráng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đặt câu hỏi: Tại sao có nhiều lực lượng quản lý bảo vệ rừng (kiểm lâm, chính quyền xã, các ban quản lý, quản lý thị trường, công an kinh tế…) mà công tác này vẫn yếu. Việc xử lý cũng rất kiên quyết (trên 80 trường hợp) nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Gỗ đâu phải cái kim bỏ trong túi mang đi được mà phải chở bằng ô tô; khai thác gỗ phải dùng cưa gây ra tiếng ồn rất lớn; đốt rừng làm rẫy thì khói bay mù trời thế nhưng vẫn không bị phát hiện.
Về xây dựng cơ bản theo quy định được ứng 50-60% nhưng người quản lý phải xem họ có làm không mới cho ứng. Đằng này cứ cho ứng tràn lan đến khi xử lý kỷ luật nhưng tiền nhà nước mất. Việc thu hồi đối với chủ đầu tư như thế nào không có văn bản nào nói về vấn đề này nên rất khó. Chất lượng xây dựng cơ bản chưa xong đã hỏng ai chịu, tiền nhà nước mất, dân mất lòng tin. Vậy phải xử lý chủ đầu tư, cơ quan giám sát như thế nào, quản lý chất lượng làm sao…
* Ông Lương Ngọc Thiệp- Bí thư Huyện ủy Mang Yang chỉ rõ: Những năm qua, công tác đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn còn nhiều bất cập hạn chế, chất lượng xây dựng nhiều công trình không đảm bảo, một số công trình xây dựng xong bỏ hoang gây thất thoát lãng phí ngân sách đầu tư. Cơ chế quản lý, vận hành các công trình nước sạch chưa phù hợp, thiếu sự duy tu bảo dưỡng và quản lý sâu sát. Vào mùa khô khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao, thì nhiều công trình không có nước, trang thiết bị vận hành hư hỏng không hoạt động... Đây là những vấn đề mà tỉnh và ngành chức năng cần quan tâm xem xét, giải quyết trong thời gian tới, đảm bảo hiệu quả các chương trình dự án đầu tư.
Nguyễn Dung-Thanh Nhật (lược ghi)