Nhiều giải pháp phục hồi hoạt động du lịch ở Đắk Lắk trong tình hình mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra so với các tỉnh ở Tây Nguyên. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch với hàng loạt giải pháp nhằm phục hồi du lịch bảo đảm an toàn dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Hồ Lắk, một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng luôn là sự lựa chọn của du khách khi đến với Đắk Lắk.
Hồ Lắk, một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng luôn là sự lựa chọn của du khách khi đến với Đắk Lắk.
Tính đến 16 giờ ngày 15/12, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9.540 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 2.529 trường hợp đang điều trị, 6.956 trường hợp được điều trị khỏi bệnh và 55 trường hợp tử vong. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên trong năm 2021 lượng khách du lịch đến Đắk Lắk giảm đến 45,12%, doanh thu du lịch giảm 46,56% so với cùng kỳ.
Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc... 
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch bảo đảm các điều kiện an toàn Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. 

 Biệt điện Bảo Đại tại thành phố Buôn Ma Thuột, một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Đắk Lắk.
Biệt điện Bảo Đại tại thành phố Buôn Ma Thuột, một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Đắk Lắk.
Mục đích của kế hoạch này nhằm triển khai kịp thời các chương trình, biện pháp bảo đảm các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi các dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch, lữ hành, vận tải khách du lịch, mua sắm du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương trong tình hình mới.
Ngoài ra, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đề ra các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế sử dụng các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Đắk Lắk”, “Người Đắk Lắk đi du lịch Đắk Lắk” và chủ đề “Đắk Lắk-điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk-văn minh-thân thiện-mến khách; các điểm đến tham quan du lịch an toàn và thông tin các chương trình du lịch mới, hấp dẫn với các gói sản phẩm kích cầu du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh...
Đối với chương trình khách nội tỉnh “Người Đắk Lắk đi du lịch Đắk Lắk”, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tự nguyện đăng ký và cam kết tham gia các chương trình du lịch của tỉnh với các gói sản phẩm của đơn vị, chính sách khuyến mãi. Trong đó, chú trọng triển khai tăng tối đa chất lượng sản phẩm với giá thành sản phẩm, dịch vụ phù hợp và tăng sự chuyên nghiệp, thân thiện, mến khách để đem lại sự hài lòng cho khách du lịch.
Có chính sách dành riêng cho người dân Đắk Lắk vào dịp cuối tuần, ngày lễ như cung cấp dịch vụ khuyến mãi, miễn phí hoặc giảm vé tham quan...
Các di tích lịch sử-văn hóa phải bảo tồn tính đa dạng, giữ gìn các giá trị di tích lịch sử-văn hóa với việc phát huy phục vụ khách du lịch; các di tích, bảo tàng xây dựng chính sách giảm phí, giá vé tham quan cho từng đối tượng khách... 
Tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” định kỳ; tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, vui chơi, hoạt náo... phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách tại một số điểm du lịch bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19...
Đối với khách ngoài tỉnh “Người Việt Nam đi du lịch Đắk Lắk”, tổ chức đón, phục vụ một cách đồng bộ, an toàn, có tính liên kết từ vận chuyển, lưu trú, các khu, điểm du lịch của địa phương. Các điểm du lịch bổ sung, hoàn thiện các dịch vụ, tổ chức các sự kiện gắn với nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc vùng miền tại địa phương. 
Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn cồng chiêng, các hoạt động trải nghiệm; liên kết tuyến, điểm để tạo ra chuỗi sản phẩm đặc thù nhằm thoả mãn nhu cầu khám phá của du khách. 
Hiệp hội du lịch Đắk Lắk phối hợp các hãng hàng không triển khai thực hiện các gói hợp tác hỗ trợ giá vé và dịch vụ hàng không, đồng thời xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng với giá thành phù hợp để thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk...
Đối với khách nước ngoài đi du lịch Đắk Lắk, tập trung vào các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch Covid-19 tại một số khu vực như Hàn Quốc, Nga, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia, Lào, Campuchia... 
Giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các biện pháp xúc tiến, quảng bá kết hợp với chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn. Xây dựng và quảng bá hình ảnh “Đắk Lắk-điểm đến an toàn, thân thiện-đậm đà bản sắc Tây Nguyên”. 
Đối với khách quốc tế, chuẩn bị các phương án để đón và quản lý khách an toàn, đồng thời các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động xây dựng các gói sản phẩm trọn gói theo thị hiếu của từng đối tượng khách nước ngoài...
Bên cạnh đó, ngành du lịch Đắk Lắk cũng đẩy mạnh các chương trình kết nối, hợp tác kích cầu du lịch của tỉnh với một số tỉnh, thành phố và kiểm soát được dịch Covid-19. Từ đó, nhằm giới thiệu chính sách, sản phẩm du lịch kích cầu của Đắk Lắk tới các địa phương để thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Đắk Lắk. Triển khai việc khai thác, quản lý và trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, bảo đảm nguyên tắc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 
Ngoài ra, Đắk Lắk cũng chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và người lao động trong lĩnh vực du lịch như: Hỗ trợ lãi suất vay vốn phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 cùng một số chính sách hỗ trợ liên quan khác. Hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch phục hồi hoạt động du lịch cho lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch...
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch bảo đảm các điều kiện an toàn Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả, vừa thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung.
CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.