(GLO)- Thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp đã triển khai 50 dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo chuyển đổi, tổng diện tích gần 28.295 ha, đạt 80% tổng diện tích đất cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cho các doanh nghiệp thuê, lập dự án.
Theo kết luận của Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lần kiểm tra, rà soát diện tích trồng cao su trên đất lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 9-2012, các dự án trên địa bàn tỉnh triển khai nhanh, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai đến thời điểm này chưa phát hiện sai phạm. Những thắc mắc của dân về đất đai, về rừng chuyển sang trồng cao su được UBND tỉnh giải quyết ổn thỏa. Cao su trồng mới trên đất lâm nghiệp phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95%.
Ảnh: Đức Thụy |
Tiếp nhận lao động địa phương, đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ địa phương trên lĩnh vực an sinh xã hội là những nội dung được doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, các dự án trồng cao su đã tiếp nhận 1.886 lao động dài hạn, trong đó có 990 lao động là người dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm thời vụ cho 3.975 lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ. Lương bình quân người lao động được nhận là 3,677 triệu đồng/người/tháng. Các đơn vị thuộc Binh đoàn 15, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được đánh giá là thực hiện tốt việc tiếp nhận lao động tại chỗ. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư 153,3 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện, nhà ở công nhân, lớp mẫu giáo, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ 21,18 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp được chọn để giao đất trồng cao su có năng lực tài chính và khả năng tổ chức thực hiện. Các dự án trồng cao su đã góp phần giải quyết việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì việc thực hiện các dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo chuyển đổi vẫn còn không ít tồn tại, đáng chú ý là diện tích cao su trồng mới đạt thấp so với quỹ đất thuê. Điển hình như: Công ty cổ phần Sài Gòn mới trồng 42,6%; Công ty TNHH Thương mại 289 mới trồng được 47,4% so với quỹ đất thuê…
Diện tích trồng cao su của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt 70% quỹ đất thuê... Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, nguyên nhân là do một số diện tích đất thuê rơi vào vùng trũng, hệ số sử dụng đất thấp, cá biệt có vùng không trồng được cây cao su.
Ảnh: Đức Thụy |
Thống kê cho thấy, tổng số lao động dài hạn làm việc tại các dự án trồng cao su đến thời điểm này mới đạt 33%, quá thấp so với định mức 5 ha/lao động đối với cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Theo Phó Tư lệnh Binh đoàn 15-Đại tá Nguyễn Thanh Xuân thì quan điểm chỉ đạo của Binh đoàn là sử dụng lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ, không được sử dụng lao động bên ngoài. Tuy nhiên, vùng trồng cao su cách xa dân cư nên rất khó tuyển dụng. Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê khẳng định: Để thu hút lao động, đơn vị đã làm việc với chính quyền địa phương, hỗ trợ phương tiện đi lại cho người lao động. Thế nhưng có đến 50 lao động xin thôi việc vì khó tiếp cận được quy trình kỹ thuật, thời gian mùa vụ.
Lý giải của doanh nghiệp là vậy, song theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-ông Nguyễn Văn Nông thì ngoài lý do các doanh nghiệp đưa ra, còn có nguyên nhân khi tuyển dụng các doanh nghiệp chưa nói rõ cơ chế tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế chuyên môn nên các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng. Trong khi đó các cơ sở đào tạo nghề thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có chương trình đào tạo nghề miễn phí, thời gian đào tạo 30-45 ngày, song hầu như các doanh nghiệp không có liên hệ gì trong việc phối hợp mở lớp đào tạo chuyên ngành cao su cho số lao động được tiếp nhận.
Đề cập đến việc tuyển dụng lao động tại các dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên khẳng định: Tuyển dụng lao động khó là do các doanh nghiệp thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyển dụng, đồng thời các doanh nghiệp chưa giải quyết tốt chính sách cho người lao động, trong khi thu nhập của người lao động thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở vùng dự án, còn hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế-xã hội địa phương lại ít chú trọng.
Đặc biệt, quá trình khai thác gỗ tận thu, chủ đầu tư bán thẳng vườn cây thay vì khai thác chuyển ra ngoài mới bán theo chủ trương của tỉnh. Đi cùng quy trình khai thác này, chủ rừng xuất hóa đơn một lần thay vì xuất hóa đơn theo thực tế khối lượng gỗ khai thác, các chủ rừng, kiểm lâm, doanh nghiệp thiếu sự phối hợp trong công tác quản lý dẫn đến chênh lệch số lượng gỗ thực khai thác và báo cáo.
Quang Văn-Anh Khoa
Ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc quản lý các chủ đầu tư, chủ rừng và chính quyền địa phương trong quá trình khai thác tận dụng gỗ, củi trên diện tích rừng chuyển sang trồng cao su còn thiếu chặt chẽ dẫn đến một số chủ đầu tư khai báo khối lượng gỗ sai lệch quá nhiều so với thực tế kiểm tra. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương, doanh nghiệp tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo đến cuối tháng 8-2012 phải vận chuyển toàn bộ trên 5.690 m3 gỗ còn tồn đọng ra khỏi vùng dự án trồng cao su. Nhưng vào thời điểm đó thời tiết không thuận lợi, việc vận chuyển khó khăn nên các doanh nghiệp chưa thực hiện được. Do vậy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đến ngày 20-11 phải vận chuyển xong số gỗ này ra khỏi vùng dự án. Ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông: Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện có 10 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao hơn 22.600 ha đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cao su. Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã trồng được 16.273 ha cao su, đạt 71,61% kế hoạch. Tuy nhiên một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Quốc Cường, Công ty TNHH 30-4, Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Nông nghiệp Sài Gòn chưa quan tâm tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; chưa nặm mà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng dự án như đúng cam kết ban đầu. Một số doanh nghiệp sau khi dự án được phê duyệt không gửi hồ sơ lại huyện, gây khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý đất và bảo vệ rừng; không báo cáo hoặc báo cáo không thường xuyên tiến độ thực hiện dự án. Quá trình khai thác, tiêu thụ lâm sản vượt quá ranh giới quy định và còn để “lâm tặc” lợi dụng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Anh Khoa (ghi) |