Ban đầu, nhiều người coi đó là việc dã tràng xe cát, vì hơi sức đâu mà nhặt khi rác nhặt xong lại có người xả.
Thế nhưng, khác hẳn với suy nghĩ ấy, vợ chồng anh Quyết lại tin rằng việc làm lặng lẽ của mình về lâu dài sẽ tác động tích cực đến người khác, làm họ thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống.
Anh Quyết chia sẻ, khi làm công nhân lái máy xúc cho mỏ đá Nghi Sơn (Thanh Hóa), nhiều lần anh chứng kiến giám đốc mỏ đá Nguyễn Ngọc Chung cứ thấy rác trong khu mỏ là nhặt, có lúc còn bỏ rác vào túi quần để đem đến thùng rác. Hình ảnh ấy lặp lại nhiều lần đã khiến anh Quyết thay đổi hẳn hành vi xả rác không đúng chỗ. Chỗ gia đình anh sinh sống, dù có các điểm tập kết rác thải nhưng nhiều người vẫn bỏ không đúng chỗ, xả bừa bãi. Năm 2017, anh bắt đầu đi nhặt rác thải để hy vọng làm thay đổi nhận thức của những người này.
Ban đầu, anh nhặt rác ở khu vực mình sinh sống, sau đó ra các con đường liên thôn, liên xã rồi bãi biển của các xã lân cận. Thấy chồng đi nhặt rác, vợ anh cũng hưởng ứng đi theo. Cuối tuần, hai vợ chồng lại đèo nhau đi nhặt rác, từ xã này sang xã khác, có bữa còn rủ cả con trai đi cùng.
Thấy vợ chồng anh Quyết cặm cụi nhặt rác, các đoàn thể ở các xã lân cận cũng đồng hành, kêu gọi các thành viên cùng thu gom rác. Đến nay, anh Quyết đã lập được nhóm tình nguyện viên với hàng chục người tham gia nhặt rác. Thấy chỗ nào có nhiều rác thải, anh đăng thông tin lên trang của nhóm rồi kêu gọi, hẹn nhau cùng đi thu gom.
Sau nhiều năm hành động vì cộng đồng, điều mà vợ chồng anh Quyết đã làm được là thay đổi nhận thức của nhiều người về hành vi xả rác. Nhặt cọng rác, việc làm tưởng như rất nhỏ nhưng mang lại giá trị tích cực vô cùng lớn.