Nhân lên tình yêu biển đảo trong học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Biên giới, biển đảo là một phần lãnh thổ quan trọng của đất nước. Do đó, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường giáo dục học sinh về tình yêu biển đảo gắn với đổi mới phương pháp học tập.

Khẳng định chủ quyền biển đảo

Tại triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa được tổ chức tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai), Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Đây là chuyên đề đã được Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều lần, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Trong các đơn vị, trường học thì đây là lần thứ 3 chúng tôi phối hợp tổ chức trưng bày. Bảo tàng tỉnh luôn sẵn sàng phối hợp với các trường để tổ chức triển lãm chuyên đề này, qua đó, cung cấp những minh chứng rõ ràng rất của lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đến các em học sinh-thế hệ tương lai của đất nước”.

 

Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) nghe thuyết minh tại triển lãm về biển đảo.        Ảnh: N.G
Học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) nghe thuyết minh tại triển lãm về biển đảo. Ảnh: N.G

Trong số 200 tư liệu được trưng bày, điều được các em học sinh quan tâm nhất chính là những bản thư tịch cổ, Châu bản Triều Nguyễn (nguồn tài liệu đã được UNESCO công nhận là Di sản tài liệu thế giới vào năm 2017 bởi tính độc đáo, tính xác thực và có tầm ảnh hưởng quốc tế-P.V) liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Qua sự thuyết minh của thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị An, những minh chứng lịch sử dần được hé mở, tất cả khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Trong số 17 Châu bản Triều Nguyễn, chị An lưu ý đến các em học sinh Châu bản thứ 16, dưới triều vua Bảo Đại. “Ở Châu bản này thể hiện rõ việc vua Bảo Đại dù đã để mất nước vào tay người Pháp nhưng ông vẫn khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Châu bản thứ 16 thể hiện rõ những lần vua Bảo Đại thưởng cho những người trong đội Hoàng Sa đi khai thác tại đảo về hay những người lính trong quân đội Hoàng Sa được tổ chức lễ truy tặng khi hy sinh trên đảo”-chị An nói.

Bên cạnh đó, những thư tịch cổ có niên đại từ thế kỷ XVII-XX đã khẳng định việc xác lập, thực thi chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa và Trường Sa được trích trong chính sử các triều đại và những công trình nghiên cứu của các tác giả như: Lê Quý Đôn, Đỗ Bá... Cùng với đó, các nguồn bản đồ do Việt Nam, phương Tây và cả Trung Quốc xuất bản đều thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước

Tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu lịch sử dân tộc thông qua các đợt triển lãm hay những buổi tham quan thực tế tại các công trình, di tích gắn liền với lịch sử văn hóa như: Nhà lao Pleiku, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum... là hình thức học tập được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh rất khuyến khích. Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Toàn Khanh-Chuyên viên Phòng Chính trị-Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Đây là một trong những hình thức nhằm trang bị thêm kiến thức về chính trị-lịch sử-văn hóa cho học sinh, qua đó góp phần rèn giũa tư tưởng cách mạng cho các em. Dạy và học lịch sử thực ra không hề khô khan mà ngược lại rất sinh động, hấp dẫn nếu có phương pháp giáo dục hay, phù hợp. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, hình thức dạy lịch sử qua các đợt triển lãm, tiết học tại các di tích lịch sử sẽ được các đơn vị, trường học tiếp tục phát huy và nhân rộng”.

Cùng chung quan điểm, thầy Trần Bá Công-Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng, chia sẻ: “Sau những lần đi thực tế tại di tích Nhà lao Pleiku, Bảo tàng tỉnh hay Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, tư tưởng chính trị, ý thức học tập của các em học sinh có sự thay đổi rất tích cực. Sau mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi đã nhận được những bài thu hoạch rất ý nghĩa do chính các em cảm nhận và thể hiện”.

Cũng theo thầy Trần Bá Công, công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho học sinh, đặc biệt là giáo dục các em tình yêu biển đảo, đất nước được nhà trường triển khai liên tục trong nhiều năm và đã thu hái được kết quả. Minh chứng là cựu học sinh của trường-em Hoàng Việt Đức khi đang công tác tại Trạm xá Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) đã viết đơn tình nguyện công tác tại đảo Trường Sa. Hiện Hoàng Việt Đức đang làm việc tại Bệnh xá huyện đảo Trường Sa và trở thành một niềm tự hào của thầy cô, bè bạn và các thế hệ học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

(GLO)- Thông tin từ Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai, 227 tổ chức Hội cấp cơ sở và tương đương thuộc 18 Hội LHTN Việt Nam huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029, vượt tiến độ đề ra theo dự kiến hoàn thành trước 31-5-2024.
Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

(GLO)- Dám nghĩ, dám làm là những điều chúng tôi cảm nhận được về anh Đỗ Văn Chuyên (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự siêng năng, chịu khó, anh đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất do ông cha để lại.