Nhân lên những tấm gương điển hình học theo Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua thực tiễn triển khai cho thấy phong trào này có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; đồng thời giúp cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng tung ra những luận điệu phủ nhận giá trị, ý nghĩa của phong trào, chúng ta cần phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Thời gian qua, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng không quản ngại khó khăn, quyết tâm mang con chữ đến với học trò vùng cao. Trong ảnh: Cô Nguyễn Vân Nhi, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M' Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) và các học sinh.

Thời gian qua, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng không quản ngại khó khăn, quyết tâm mang con chữ đến với học trò vùng cao. Trong ảnh: Cô Nguyễn Vân Nhi, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M' Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) và các học sinh.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không chỉ đưa ra các luận điệu xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phủ nhận phong trào “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các luận điệu xuyên tạc, chống phá tập trung trên những bình diện chính sau:

Một là, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh là sự “bắt chước”, “sao chép” chủ nghĩa Mác-Lênin, do đó khi áp dụng vào Việt Nam chỉ là sự “khiên cưỡng”, “gán ghép” nên việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoàn toàn mang tính hình thức theo kiểu “hô hào khẩu hiệu”.

Hai là, dù thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” cho cách mạng Việt Nam trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng các thế lực thù địch cho rằng, hiện nay thực tiễn đã thay đổi nên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã “lỗi thời”, không còn phù hợp. Từ đó các đối tượng cho rằng, việc Bộ Chính trị đề ra Chỉ thị 05-CT/TW là sai lầm, sẽ không có kết quả.

Ba là, các phần tử chống phá cố tình bóp méo, đánh đồng hai khái niệm “học tập” và “bắt chước”, từ đó dẫn dắt vấn đề theo hướng muốn học tập Hồ Chí Minh thì phải “bắt chước” giống Người, từ hình thức ăn mặc đến lời nói, việc làm, lối sống. Từ đó chúng xuyên tạc việc học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh bản chất là xóa nhòa sự khác biệt giữa mọi người, mục đích của phong trào là hình thành một thế hệ làm theo một hình mẫu do người khác định hướng, không được tự do khám phá và thể hiện khả năng bản thân. Lợi dụng sai phạm, khuyết điểm của một số cá nhân, tổ chức, các đối tượng lập tức vin vào đó để cáo buộc, vu khống rằng càng thi đua học tập theo gương Hồ Chí Minh, càng lộ nhiều quan chức tham nhũng và những hạn chế của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Những luận điệu trên lộ rõ ý đồ xuyên tạc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “hạ bệ thần tượng”, từ đó phủ nhận giá trị, ý nghĩa tích cực của cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động. Sâu xa hơn, mục đích thật sự của các thế lực thù địch là kích động tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ, chia rẽ mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cho thấy chúng ta không thể xem thường âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và cần nâng cao cảnh giác, có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Do đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta; giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn biết “tự soi”, “tự sửa”, “nêu gương”, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích khả năng độc lập tư duy, sáng tạo và khám phá, Người luôn đề cao sự tự học, tự nghiên cứu và học hỏi, khuyến khích mọi người phát triển trí tuệ và tư duy sáng tạo của mình. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được cả dân tộc Việt Nam tôn vinh mà còn được đông đảo bạn bè trên khắp thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, ông Romesh Chandra đánh giá: “Bất cứ nơi nào nhân dân chiến đấu cho độc lập và tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ của Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu nhân dân chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ của Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ của Hồ Chí Minh bay cao”. Điều đó phần nào khẳng định giá trị, ý nghĩa không thể phủ nhận của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Cuộc vận động đã trở thành phong trào ý nghĩa, được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị. Từ bắc đến nam, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình “học Bác”, “noi gương Bác”; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp sức cho sự phát triển đất nước. Không chỉ có cán bộ, đảng viên noi gương mà đông đảo quần chúng nhân dân thuộc mọi giai tầng xã hội cũng ra sức học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Kết luận số 01) ngày 12/6/2023 cho thấy: tính đến tháng 4 năm 2023, trên cả nước có 25.525 mô hình khác nhau trong học tập và làm theo Bác. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương mở các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với nhiều chủ đề sâu sắc như: “Tự soi, tự sửa”, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nội vụ. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong mỗi lời nói, việc làm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền đã đạt được những kết quả rõ nét.

Cũng từ phong trào ý nghĩa này đã xuất hiện những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như câu chuyện của một cán bộ hưu trí tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn không một ngày ngơi nghỉ với công tác khuyến học, khuyến tài, vận động nhân dân xây dựng “dòng họ học tập”, “tổ dân phố học tập”. Đó là những thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng không quản ngại khó khăn gian khổ, dũng cảm vượt núi, băng rừng, đưa học trò tới trường, ngoài việc dạy chữ còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Đó là những y bác sĩ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống phồn hoa đô thị để về các thôn bản khó khăn ở vùng sâu, vùng xa chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân, mang đến nụ cười cho những trẻ em khuyết tật. Đó là những cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng luôn vượt mọi hiểm nguy để có mặt kịp thời hỗ trợ đồng bào mỗi khi gặp bão lũ, thiên tai...

Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác đã truyền cảm hứng rất lớn trong cộng đồng, để từ đó tiếp tục nhân lên những phong trào, cá nhân tiên tiến, điển hình, có những việc làm ý nghĩa cho xã hội. Điều đó chứng tỏ phong trào học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng, tác động tích cực đến hành vi của mọi tầng lớp nhân dân; khơi dậy và tạo động lực cho mọi giai tầng trong xã hội phát huy được năng lực, ý chí, bản lĩnh của mình và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của đất nước. Mỗi tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đó là “những bông hoa đẹp”, đang từng ngày, từng giờ vun góp, tạo ra “rừng hoa đẹp” cho đất nước.

Những kết quả đã đạt được thời gian qua cho thấy cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo nên những dấu ấn nổi bật cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, lan tỏa, tổ chức thực hiện… Những kết quả tích cực này đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội.

Thời gian tới, để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, có hiệu quả hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị cần phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng nhân lên những điều tốt đẹp, tiếp tục lan tỏa và góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu, phát huy giá trị và thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

TS LÊ THỊ CHIÊN

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.

Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy

Lý do chia tách địa giới hành chính trước đây thường xuất phát từ yêu cầu quản lý và phục vụ hành chính, chủ yếu vì diện tích rộng, khoảng cách từ nhà dân đến nơi cung cấp dịch vụ công như công sở, bệnh viện, trường học quá xa.