Nhà ở xã hội: Đạt lý nhưng phải thấu tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thúc tiến độ, giảm lãi suất, xây dựng các gói cho vay, kêu gọi các doanh nghiệp lớn chung tay... Có thể nói, chưa bao giờ nhà ở xã hội được quan tâm như giai đoạn hiện nay.

Nhưng việc lãi suất (LS) vay mua, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) tăng đột ngột từ 4,8% lên 6,6%/năm lại đang khiến những người vay sốc nặng. Đầu tiên phải khẳng định việc điều chỉnh LS của Ngân hàng Chính sách xã hội là hoàn toàn đúng theo quy định Nghị định số 100 năm 2024 quy định chi tiết một số điều của luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8. Theo đó, các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1.8 thì áp dụng mức LS cho vay bằng LS cho vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức LS này là 6,6%/năm nên LS cho vay để mua, thuê mua NƠXH, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1.8 là 6,6%/năm.

Về lý thì không sai, nhưng về tình thì lại chưa đúng lắm. Đầu tiên, chúng ta đều biết đối tượng mua NƠXH là những người thuộc diện nghèo, cận nghèo. Để dành một khoản trả gốc, lãi vay 4,8%/năm với họ đã không dễ dàng gì. Đặc biệt trong tình hình kinh tế vẫn hết sức khó khăn hiện nay, nguy cơ mất việc, giảm lương vẫn luôn rình rập. Chưa kể chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn do giá cả đã thiết lập một mặt bằng mới. Tính toán sao cho đủ mỗi tháng đã không dễ dàng gì với rất nhiều người. Vì thế, bất cứ một khoản tăng thêm cố định nào cũng có thể tác động thẳng vào mâm cơm của họ. Mà mức tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm là rất lớn, rất mạnh, ngay cả với các khoản vay bình thường, đừng nói đến đối tượng chính sách. Nên lãi vay NƠXH tăng sẽ dẫn đến 2 tình huống, có người không theo nổi, còn những người cố gắng tiếp tục thì phải cắt giảm chi tiêu mạnh hơn nữa để bù vào khoản chi phí bất ngờ này... Việc này gây ảnh hưởng đến sức mua, vốn đã mong manh mấy năm gần đây, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng chung trong nền kinh tế.

Thứ hai, việc tăng lãi suất vay mua, thuê mua NƠXH lên 6,6% không chỉ đi ngược với chủ trương giảm chi phí vốn, thúc tín dụng của Chính phủ mà còn vô hiệu hóa chính sách ưu đãi cho người nghèo. Bởi LS thương mại trên thị trường cho các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ ngang thế này, thậm chí còn thấp hơn. Các gói liên quan đến NƠXH cũng đang được đề xuất giảm mạnh... Nếu lãi vay gói này tăng lên, chẳng hóa ra người được ưu đãi trước thiệt trước? Thế nên, giữ nguyên LS các hợp đồng cũ, đặc biệt là ổn định LS trong suốt thời gian vay là những đề xuất, kiến nghị của người vay cũng như các chuyên gia trong vấn đề này.

Phân tích để thấy, việc lãi vay NƠXH tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm như đã nói trên, là "đạt lý" nhưng lại chưa thực sự "thấu tình". Mà chính sách NƠXH nói chung là chủ trương hết sức nhân văn về nhà ở dành cho người nghèo, công nhân, người thu nhập thấp. Nếu chưa "thấu tình", chưa kịp thời chia sẻ với điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người dân, ở đây là người nghèo, thì rất cần phải tính toán lại cho hài hòa. Để thấu tình và đạt lý.

Đầu ra thông thì đầu vào - cung NƠXH - cũng được thúc đẩy, từ đó chương trình 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ quyết liệt thực hiện sẽ sớm hoàn thành, giúp hàng triệu người có chỗ an cư, lạc nghiệp, yên tâm đóng góp cho công việc, cho doanh nghiệp và cho phát triển kinh tế của đất nước.

Theo NGUYÊN MINH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Đó là câu hỏi của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thủ tục, quy trình hoàn thuế hiện nay vẫn còn rắc rối, bất hợp lý. Thậm chí trong Dự thảo thuế giá trị gia tăng đang lấy ý kiến, quy định về hoàn thuế còn đẩy rủi ro về phía người mua hàng.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

Mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng đều tự hào mình là con dân đất Việt, tự hào về một Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển. Niềm tự hào đó chính là sức mạnh nội sinh, để mỗi người có thể góp sức mình làm “rạng danh đất nước” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.