Diện tích mì của huyện Kông Chro tăng đột biến. Ảnh: L.N |
Tại huyện Kbang, mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mì, nhưng nhiều nông dân vẫn đổ xô mở rộng diện tích trong vụ mùa 2011. Kế hoạch vụ mùa 2011 huyện trồng 577 ha mì, tuy nhiên đến thời điểm này, người dân đã trồng hơn 1.367 ha (trong đó 2 xã có diện tích tăng đột biến là Lơ Ku và Sơ Pai)… Việc ồ ạt phát triển cây mì đang làm thu hẹp diện tích các cây trồng khác. Đến thời điểm này, diện tích cây bắp chỉ mới đạt hơn 24% kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-một trong những xã có diện tích cây mì tăng cao nhất huyện, cho biết: “Cây trồng có diện tích lớn trên địa bàn là cây mì, cây đậu xanh và cây mía. Trong khi cây bắp của xã giảm hơn 1.000 ha so với kế hoạch”.
Cũng như Kbang, người dân Kông Chro khi thấy cây mì là loại cây trồng đầu tư thấp, lợi nhuận cao, nên đã tích cực mở rộng diện tích. Tổng diện tích mì trên địa bàn huyện hiện có hơn 5.200 ha (tăng gần 2.000 ha so với kế hoạch). Nhiều diện tích bắp, lúa cạn, lúa một vụ, thậm chí những diện tích đất vụ trước trồng dưa hấu cũng đã chuyển sang trồng cây mì.
Trong những năm gần đây, cây mì được xem là cây trồng chủ lực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đinh Vơt-làng Hlang 2, xã Yang Nam (huyện Kông Chro) cho hay: Gia đình có hơn 1,5 ha đất, trước đây trồng lúa cạn, giờ chuyển sang trồng mì. Trồng mì chi phí thấp, công chăm sóc ít, trừ chi phí năm rồi mỗi ha thu gần 20 triệu đồng.
Ồ ạt mở rộng diện tích trồng mì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết là phá vỡ quy hoạch hệ thống cây trồng của địa phương; nếu không có chế độ luân canh hợp lý thì độ phì nhiêu của đất khó phục hồi; làm cho đất ngày càng nghèo chất dinh dưỡng, nguy cơ thoái hóa đất, thậm chí dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng để trồng mì... Ngoài ra, đầu ra không được tính đến sẽ khó tránh khỏi nguy cơ “cung” vượt “cầu” làm cho giá cả khó ổn định.