Cụ thể, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30% - là mức tăng cao nhất từ trước đến nay), lương tối thiểu vùng tăng 6%, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%.
Quốc hội cũng thống nhất giữ nguyên các loại phụ cấp hiện hành và bổ sung quỹ tiền thưởng (bằng 10% quỹ lương cơ bản) của khu vực công, tạo nguồn để người đứng đầu có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khen thưởng đột xuất, thưởng hàng năm nhằm khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, việc tăng 30% lương cơ sở và tăng 6% mức lương tối thiểu vùng thể hiện nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tăng lương là điều mà hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả nước luôn mong mỏi để cải thiện thu nhập, giảm gánh nặng kinh tế gia đình trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc ngày càng nhiều, các mặt hàng thiết yếu cũng đang âm thầm tăng giá. Việc tăng lương đi kèm với cơ chế khen thưởng kịp thời là nguồn động viên mới, góp phần để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thêm động lực cống hiến, phục vụ người dân, nhất là cán bộ ở những địa phương đông dân, áp lực công việc lớn.
Song, để thúc đẩy hơn nữa tinh thần dấn thân, cống hiến, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương, xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm; bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc gắn với thực hiện chính sách tiền lương.
Tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, tăng lương hưu 15% từ 1.7
Những khoản tiền lương, trợ cấp nào sẽ tăng theo lương tối thiểu vùng?
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; thực hiện quyết liệt các nội dung về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị định số 73 của Chính phủ; triển khai đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 với các chính sách đãi ngộ sát với từng vị trí việc làm, cũng như có biện pháp với cán bộ đùn đẩy, ngại việc.
Tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ đi đôi siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp sẽ tạo thêm nhiều động lực, nâng cao ý thức trách nhiệm và tính tự giác trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần xây dựng nền hành chính công vụ ngày càng hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn.