Không chỉ mỗi hạt giống, mỗi cây xanh được tái sinh, mà qua mỗi chuyến đi, nhóm bạn trẻ học nhiều kiến thức từ thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái.
Giữ mạch nguồn bến nước
Sáng mùa khô, nắng vàng rót mật và gió lạnh hanh hao. Cô bạn đồng nghiệp réo lên trong điện thoại: “Lên đường đi trồng cây đầu nguồn bến nước thôi nào”. Từ Buôn Ma Thuột đến bến nước Ea Sah (xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk), mùa này, nơi đâu cũng dễ bắt gặp từng vạt dã quỳ bung nở. Sắc vàng của loài hoa dại như những mặt trời nhỏ dồi dào sức sống của vùng đất nhiều nắng gió.
Anh Phạm Thanh Tuấn, người khởi xướng hoạt động ý nghĩa này đã ấp ủ dự án từ lâu. Nơi đây, còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ, nhưng ít người biết đến, vì đường đi vào phức tạp, ngoằn ngoèo. Anh muốn người dân trong và ngoài tỉnh được khám phá, tiếp cận và hiểu hơn về vùng đất, con người nơi đây. Công ty của anh phối hợp Huyện Đoàn Cư M’gar cùng các cơ quan, đơn vị bắt tay vào thực hiện công trình “Bản sắc Tây Nguyên”.
Đặt chân đến địa phận xã Ea Tul, bảng chỉ dẫn xuống bến nước màu đỏ với phong cách thiết kế mang hơi hướng văn hoá dân tộc bản địa. Nơi thung sâu đại ngàn, dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy ra từ những ống tre được những người phụ nữ hứng vào chai đem về uống và dùng trong sinh hoạt. Tiếng cười đùa, nghịch nước của đám trẻ con theo cha mẹ ra giặt đồ tạo thành bản hoà tấu giữa đại ngàn.
Thanh niên làm viên hạt giống |
Bến nước Ea Sah (buôn Sah, xã Ea Tul) thường được gọi là bến nước Đăm Di. Câu chuyện truyền thuyết về chàng Đăm Di được các bậc cao niên kể lại rằng, không ai nhớ buôn Sah có từ bao giờ và ai là chủ bến nước. Nơi đây gắn với truyền thuyết về chàng Đăm Di tài giỏi đã có cuộc chiến quyết liệt với hai ông vua nước. Sau khi chiến thắng thần nước, Đăm Di dựng buôn tại đây để cai quản, nay gọi là buôn Sah. Nơi đây còn để lại vết chân trên những phiến đá lớn thẫm xanh huyền thoại. Đến nay do sự bào mòn qua năm tháng, vết vẽ không còn nhưng vẫn còn in dấu chân của chàng trên phiến đá.
Giữa bao la đất trời, màu xanh áo Đoàn quyện vào nhau tạo nên màu xanh của tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên nối thành hàng dài, tỉ mẩn trồng cây tre ở đầu nguồn bến nước. Mỗi người tham gia trồng cây sẽ có một thẻ ghi danh người trồng, mã QR giới thiệu dự án, khi quét mã sẽ có clip giới thiệu bến nước và dự án. Anh Tuấn cho biết, đợt này trồng 3 loại tre, gồm tre vàng, tre trúc điền, tre mạnh tông. Tre giúp chống xói mòn bến nước. Ngoài ra, tre có tác dụng lọc nước, tái sinh tự nhiên nhanh và dễ sinh trưởng.
Các hộ canh tác xung quanh rừng đầu nguồn được chuyên gia tập huấn về phương pháp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Chị H Roen bộc bạch, được tham gia hoạt động này, giúp bà con thay đổi nhận thức và hạn chế, tiến tới không sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hoá học để gìn giữ và bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn nước sạch của bến nước.
Anh Y Wal Mlô - Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên đã lắp đặt hệ thống bảng chỉ dẫn, trồng hơn 100 cây tre ở khu vực đầu nguồn bến nước trên địa bàn huyện. Qua đó, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên, thanh niên, người dân về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là việc bảo tồn, trùng tu bến nước trong vùng đồng bào DTTS.
Rải hạt giống, ươm màu xanh
Lạc bước đến huyện Lắk, hoà vào cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng, buôn làng bình yên với những mùa gieo gặt. Chúng tôi theo chân một nhóm bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk rải hạt giống tại khu vực đất trống, đồi trọc ven quốc lộ 27 (địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk).
Thanh niên tham gia trồng 100 cây tre đầu nguồn bến nước |
Các dải đồi trọc ven chân núi Chư Yang Sin, nhiều nhóm cây được hồi sinh như Kơ nia, dẻ rừng, chôm chôm rừng, muồng anh đào, một ít sâm và dược liệu cũng bắt đầu mọc phục hồi ven tán rừng. Nhóm bạn trẻ này đã đổi màu cho những khu đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và những cánh rừng bị chặt phá từ mỗi viên hạt giống nhỏ gọn. Bạn Nguyễn Thị Huyền (thành viên tham gia rải hạt giống) chia sẻ, ngay cả mùa khô cũng có thể mang đi để vào khu vực phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong viên bọc hạt giống. Viên hạt giống được các bạn trẻ đặt vào bãi đất trống, đất hoang nơi mình sinh sống, đi qua.
Anh Phạm Quang Thái, một trong ba người khởi xướng ý tưởng tạo những viên hạt giống và lan tỏa hoạt động này tại Đắk Lắk cho biết, bắt đầu từ việc mấy anh em yêu thiên nhiên ngồi lại với nhau, nghĩ cách làm sao có thể trồng thật nhiều cây cho rừng và vùng cận rừng nhiều khó khăn, sau đó thống nhất ý tưởng mà người Nhật và Ấn Độ đã làm rất thành công là những viên hạt giống. Hoạt động được triển khai từ năm 2021.
Anh Phạm Quang Thái, người khởi xướng ý tưởng tạo viên hạt giống và lan tỏa hoạt động rải giống cây tại Đắk Lắk cho biết, năm 2021 nhóm làm được hơn 500 viên hạt. Sau đó, mỗi năm, nhóm tổ chức 3-5 chương trình thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia, số lượng khoảng 1.000 viên hạt/ năm.
Đôi bàn tay bám đầy đất của anh Phạm Thanh Tuấn (thành viên của nhóm, người khởi xướng) thoăn thoắt nhào kỹ đất sét, mùn với phân và chút nước, sau đó cho hạt giống cây cần trồng vào giữa rồi vo viên lại. Anh Tuấn cho biết, trong 1 viên có 5 loại hạt: Cây tiên phong, cây tạo tán, cây cố định đạm, cây rừng bản địa đa tầng tán và dược liệu tầng thấp. Nguồn hạt giống được nhóm huy động từ các bạn trẻ. Các loại hạt được gom lại, rửa sạch, phơi khô. Các loại giống sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Sau khi cây con mọc có sẵn một lượng dinh dưỡng là phân ủ trộn với đất đủ để cây phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài 2-3 tháng đủ cho cây con cứng cáp, khi mùa khô hạn đến sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.
Sáng kiến viên hạt giống này ưu việt hơn trồng cây ở chỗ hạt nảy mầm trực tiếp xuống đất, rễ cọc cắm sâu có sức chịu đựng cao hơn và bền hơn cây trồng từ bầu ươm, bên cạnh đó phương pháp này đưa những khu vườn về thuận tự nhiên khi cây không cần trồng theo hàng lối, và có nhiều nhóm cây khác nhau hỗ trợ việc phân tầng tán và tương hỗ nhau cùng phát triển.