Người làm thuyền composite ở Lung Leng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với các dân tộc bản địa Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung sống ven sông, hồ, thuyền độc mộc không chỉ là chiếc cầu nối đôi bờ mà còn giúp bà con vận chuyển hàng hóa, nông sản, đánh bắt cá. Tuy nhiên, trước thực trạng gỗ làm thuyền độc mộc truyền thống ngày càng khan hiếm, chi phí đắt đỏ, lại nhanh hỏng, anh Bùi Như Nhân ở thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đã tìm hiểu, học hỏi và làm ra sản phẩm thuyền bằng vật liệu composite phục vụ bà con.

Do cuộc sống gia đình lúc đó khó khăn, học xong lớp 9, anh Bùi Như Nhân (sinh năm 1983, tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đành bỏ học giữa chừng để đi làm, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Đến năm 1998, anh theo gia đình lên định cư tại thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy.

Ngôi nhà của anh nằm sát bờ sông Sê San thơ mộng, gần di chỉ Lung Leng nổi tiếng. Xung quanh vườn nhà, gia đình anh trồng nhiều loại cây ăn quả như mít mật, sầu riêng, dừa, vừa lấy bóng mát vừa thu hoạch được trái cây. Nhà gần sông nước, khi mới lên anh đã học hỏi và đóng thuyền bằng gỗ để đi lại và chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, thuyền gỗ thường bị rò rỉ nước và bị thủng nên anh tìm kiếm vật liệu phù hợp để khắc phục tình trạng trên.

Người làm thuyền composite ở Lung Leng  ảnh 1

Khuôn viên phân xưởng sản xuất thuyền composite của anh Bùi Như Nhân tại thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Ảnh: N.B

Năm 2006, cơ duyên anh biết đến vật liệu composite khi thấy một người bạn dùng vật liệu này để làm khuôn thạch cao, làm những đồ vật trang trí. Anh nghĩ rằng, vật liệu này phù hợp cho nhu cầu của mình. Nói là làm, sau khi về nhà, anh mua vật liệu composite, sau đó bắt tay vào gia công, sửa chữa chiếc thuyền gỗ bị hư hỏng của mình và cho kết quả thành công ngoài mong đợi.

Tìm hiểu thông tin, học hỏi trên các trang mạng internet cùng với sự sáng dạ, khéo léo và kiên trì, năm 2007, anh Nhân cho ra đời chiếc thuyền composite đầu tiên của mình. Lúc đầu, mục đích của anh chỉ là phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Sau nhiều người dân quanh vùng thấy được những ưu việt của thuyền composite nên đặt hàng anh làm.

Sau gần 16 năm hành nghề, anh Nhân làm chủ quy trình sản xuất thuyền composite và có thể làm được nhiều mẫu mã khác nhau, tăng thêm chức năng cho thuyền, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Người làm thuyền composite ở Lung Leng  ảnh 2
Tháo vỏ thuyền ra khỏi khuôn đúc. Ảnh: NB

Anh Nhân chia sẻ: Ngày trước, người dân ở đây gần như chỉ sử dụng thuyền độc mộc để đi lại. Thuyền độc mộc được làm từ cây gỗ to, chắc và chịu được nước. Tuy nhiên, hiện nay, cây to dùng làm thuyền không còn nhiều và chi phí làm ra chiếc thuyền độc mộc cũng rất cao nên người dân chuyển sang dùng thuyền composite hoặc thuyền tôn là chính.

Ưu điểm của thuyền composite là nhẹ, chắc, bền, chịu hóa chất, không sét gỉ, chống ăn mòn, chịu va đập và ma sát tốt. Việc thiết kế, tạo dáng dễ dàng và đa dạng. Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa chi phí thấp, tuổi thọ cao, giá cả cạnh tranh. Thuyền composite dễ dàng sử dụng, chèo nhẹ nhàng, nếu dùng động cơ thì lại ít tốn nhiên liệu hơn so với thuyền gỗ cùng kích cỡ.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, anh Nhân đã sáng tạo ra nhiều mẫu thuyền với kích thước và hình dáng khác nhau. Đặc biệt, có mẫu giống với thuyền độc mộc truyền thống để khi sử dụng, bà con cảm thấy gần gũi.

Trao đổi về quy trình làm thuyền, anh Nhân cho hay: Để cho ra một chiếc thuyền composite thành phẩm, quá trình làm phải trải qua 5 bước: Tạo mẫu, đổ khuôn, chỉnh sửa khuôn, nhân bản mô hình từ khuôn và hoàn tất sản phẩm. Các thành phần nguyên liệu làm thuyền bao gồm: chất chống dính, nhựa composite, chất đông cứng, sợi thủy tinh, ống nhựa PVC, sơn và xăng thơm. Khó nhất trong quá trình sản xuất thuyền nhựa composite là khâu quét nhựa, trải tấm sợi thủy tinh. Công đoạn này đòi hỏi người thực hiện phải tỉ mỉ, cẩn thận và có kinh nghiệm tốt để thân thuyền có độ dày đồng nhất, không bị phô, không bị lòn khí và dễ gia công cho giai đoạn tiếp theo.

Xưởng sản xuất thuyền của anh Nhân nằm cạnh nhà. Công việc sản xuất chủ yếu do anh và người em trai tên Nghĩa đảm trách. Khi nào nhiều đơn hàng hoặc khách hàng yêu cầu giao gấp, anh mới thuê thêm người để làm những việc lặt vặt như: chà nhám, cắt những phần dư, quét chất chống dính lên khuôn.

Không những chế tạo vỏ thuyền composite, anh Nhân còn nghiên cứu, độ chế các động cơ cho thuyền từ những máy móc cũ, gia công cánh quạt chân vịt, cần lái cho phù hợp với từng loại thuyền khác nhau.

Hiện nay, thuyền composite của anh Nhân không chỉ bán cho bà con trong tỉnh mà còn được nhiều nơi trong nước đặt mua. Có những khách hàng ở tận Lào Cai cũng đặt anh làm và giao ra cho họ vì mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp. Trung bình mỗi tháng, anh bán ra thị trường khoảng 5 chiếc thuyền composite các loại, giá thành vỏ thuyền dao động từ 6-12 triệu đồng/chiếc. Nếu gắn động cơ thì người mua phải bỏ thêm từ 5-15 triệu đồng/chiếc (tùy thuộc vào chủng loại và công suất động cơ). Sau khi trừ hết chi phí, mỗi chiếc anh lãi khoảng 30%.

“Nhiều người biết đến mình và tin tưởng vào sản phẩm của mình rồi. Tuy nhiên, việc sản xuất cũng gặp những khó khăn nhất định như: Vị trí xưởng nằm xa xôi, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền nên rất bất tiện trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc, đặc biệt là mùa nước cạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng có hạn nên chưa có điều kiện mua thêm nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Mình mong muốn có điều kiện sẽ dời xưởng sản xuất qua phía bên kia sông, thuộc địa phận xã Ia Chim, thành phố Kon Tum để thuận lợi hơn trong việc sản xuất kinh doanh và cho các con học hành”-anh Nhân bộc bạch.

Người làm thuyền composite ở Lung Leng  ảnh 3

Trải nghiệm chèo thuyền composite có kiểu dáng giống thuyền độc mộc do anh Nhân làm ra. Ảnh: N.B

Anh A Tim (một khách hàng của anh Nhân tại thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) cho biết: Trước đây, tôi dùng thuyền độc mộc đánh bắt cá. Qua một thời gian sử dụng thuyền hư hỏng nên mua chiếc thuyền composite của anh Nhân sản xuất. Thuyền composite khoang rộng, thuận tiện để đồ, lướt êm ái và ít tốn nhiên liệu hơn, thuận tiện cho đánh bắt cá hơn.

Thử ngồi lên chiếc thuyền composite do anh Nhân sản xuất có kiểu dáng giống thuyền độc mộc, tôi thấy thuyền lướt nhẹ, chèo không tốn nhiều sức và chỗ ngồi rộng, cảm giác rất an toàn.

Ngoài việc làm thuyền để bán, gia đình anh Nhân còn có 5 chiếc thuyền với kích cỡ khác nhau để phục vụ chở khách du lịch và nông sản cho người dân trong vùng. Bận rộn là thế nhưng khi có ai gọi chở hàng hóa, nông sản, chở khách du lịch, tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa phương là anh đi ngay.

Trong thời gian tới, anh dự định sẽ tạo thêm nhiều kiểu dáng mới phù hợp với đặc điểm từng vùng miền khác nhau, phát triển thêm thị trường và mở rộng cơ sở sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Link bài gốc: https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nguoi-lam-thuyen-composite-o-lung-leng-28370.html

Có thể bạn quan tâm

“Cõng” khách lên ngàn

“Cõng” khách lên ngàn

(GLO)- Hai chân liên tục bơi trên lớp bùn nhão nhoẹt, anh Tưởng Phi Luân-cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) cố giữ cho xe máy khỏi ngã khi vượt qua đoạn đường trơn trượt như đổ mỡ. Đến đoạn dốc cao gần như thẳng đứng, anh nhắc tôi ngồi sát về phía trước, ôm người anh thật chặt khi chiếc xe tăng ga vượt dốc.

Những người gác rừng nơi "cổng trời"

Những người gác rừng nơi "cổng trời"

(GLO)- Ngôi nhà của Tổ quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa những rặng núi ở cách làng Đê Kôn (xã Hà Ra) chừng 1,3 km. Tuy nhiên, sự cô lẻ không làm các nhân viên gác rừng thoái chí mà tiếp thêm động lực để họ kiên tâm giữ gìn những cánh rừng già. Không những vậy, qua đôi bàn tay tài hoa của các anh, cảnh quan nơi đây ngày càng thêm đẹp.

Thiện nguyện 'đốn tim': Gieo sách

Thiện nguyện 'đốn tim': Gieo sách

Nhà cải cách giáo dục lừng danh người Mỹ Horace Mann từng nói: 'Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy'. Nhưng có những người chưa thật sự quyền thế vẫn đang miệt mài 'gieo rắc' sách khắp các tỉnh thành.
Nhà nổi ở Trường Sa

Nhà nổi ở Trường Sa

Nhiều ngư dân câu mực ở Quảng Ngãi, Quảng Nam kể lại, năm 1998 đã đi bạn trên tàu câu mực ở thành phố Đà Nẵng. Từ năm 2000 đến nay, nghề câu mực ở Đà Nẵng giảm dần nên ngư dân về quê đóng tàu và bắt đầu những chuyến đi dài ngày ròng rã và tàu cập vào hoặc đi qua hầu hết các đảo Sơn Ca, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Gạc Ma,…
Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.
Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, có 26 bộ đội của Lữ đoàn 83 công binh hải quân và trong số ấy, có 2 sĩ quan khi hy sinh đã có vợ con ở quê nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Minh Tâm (trợ lý thi công) và Trần Văn Phòng (đại đội phó).
Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Nuôi trâu trong chuồng là chuyện thường tình của nông dân khắp các vùng quê Việt Nam, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đó lại là điều quá đỗi mới mẻ. Tập quán giao trâu cho “thần rừng” cai quản từng ăn sâu trong tiềm thức của tộc người này, nay bắt đầu có sự thay đổi.
Phía sau hoa hồng

Phía sau hoa hồng

Những bông hoa hồng và những lời chúc tụng tràn ngập trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thật trong ngày 8/3. Nhưng phía sau đó, sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.
Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trời ngả về chiều. Trong lớp sương mù bảng lảng bay trên đỉnh đồi làng Đăk Chum I (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (46 tuổi) cùng gần chục người khác đang miệt mài chăm sóc vườn dâu tây. Những luống dâu xanh mướt với quả đỏ mọng trải dài trên đỉnh đồi Đăk Chum I là hướng đi mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Những “bông hồng thép”

Những “bông hồng thép”

Tại Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân, có những người phụ nữ dù công việc chính hàng ngày là nhân viên văn thư, nấu ăn, hay quân y thì họ vẫn thường xuyên luyện tập trong môi trường khắc nghiệt với quyết tâm rất cao để trau dồi, nâng cao ý chí, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn được giao như bao cán bộ, chiến sĩ nam tại đơn vị. Không chỉ mạnh mẽ, can trường mà những “bóng hồng” ở đơn vị đặc biệt này còn vô cùng duyên dáng, đảm việc nước, giỏi việc nhà.