Người “gieo hạt giống” tri thức nơi vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Siu Hoách (SN 1997, làng O Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) là một chàng trai Jrai nhỏ nhắn, có nụ cười hiền và sáng. Thật bất ngờ bởi không chỉ là cán bộ Đoàn năng động, anh còn là người tâm huyết với sự học, ngày ngày miệt mài “gieo hạt giống” tri thức nơi vùng đất khó.

Lũ trẻ làng O Ngol gọi anh Siu Hoách với cái tên thân mật là “thầy Hoách”. Ngoài dạy chữ, anh còn dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca… và động viên, tiếp sức cho các em trên hành trình chinh phục tri thức.

Nhân lên tình yêu con chữ

Khi anh Hoách vừa về tới nhà, cô con gái nhỏ 2 tuổi đã chạy ùa ra ôm cổ bố nũng nịu. Anh ôm con vào lòng dỗ dành rồi kể: “Mẹ cháu đang đi học đại học ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nên tôi vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ. Vất vả cũng nhiều nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để được theo đuổi tri thức, xây dựng tương lai tươi sáng”. Nói tới đây, mắt anh lấp lánh niềm vui.

Anh Siu Hoách trò chuyện cùng các em nhỏ ở làng O Ngol. Ảnh: T.D

Anh Siu Hoách trò chuyện cùng các em nhỏ ở làng O Ngol. Ảnh: T.D

Vừa mời chúng tôi vào nhà, anh vừa kể: “Từ nhỏ, chứng kiến cuộc sống của dân làng nghèo khổ, nhiều đứa trẻ phải bỏ học để theo bố mẹ lên rẫy, lên rừng kiếm măng, kiếm củi, mình rất buồn. Vậy nên, mình quyết tâm học thật giỏi để thoát cảnh nghèo. Ngày ấy, trong làng cũng chỉ vài ba trẻ nhỏ được tới trường như mình thôi”. Tiếp lời, bà Siu HLuch-mẹ của anh Hoách-chia sẻ: “Hồi ấy, nhà nghèo lại phải chăm lo cho 6 đứa con nên rất vất vả. Thấy Hoách yêu chữ quá, mình đã cố gắng cho nó học lên tới cao đẳng, đại học”.

Với những đứa trẻ Jrai vùng khó ngày ấy, cái bụng no đã là cả một ước mơ. Nhưng với Siu Hoách, anh luôn cố gắng vượt lên chính mình để theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo. Và hành trình vượt khó ấy đã đơm quả ngọt khi anh tốt nghiệp Khoa Lịch sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai vào năm 2017. Với bao dự định ấp ủ, năm 2018, anh xin về giảng dạy tại một trường ở gần nhà. Cùng với đó, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi Đoàn làng O Ngol. Ngôi làng được tiếp thêm sức sống mới, sôi nổi, ấm áp hơn bởi những đêm hội cồng chiêng, những tiết mục văn nghệ do anh Hoách đứng ra tổ chức.

“Muốn làng phát triển thì đời sống văn hóa tinh thần cần phải được chú trọng, nhất là với lớp trẻ. Ngoài việc động viên các em tới trường thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa cũng sẽ thu hút các em có lối sống lành mạnh, biết gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”-anh Hoách bày tỏ.

Và trong những đêm hội ấy, anh gần gũi và nắm bắt tâm tư cũng như hoàn cảnh từng em trong làng để kịp thời động viên, giúp đỡ. Cô bé Kpă Priu là một trường hợp như thế. Priu hát hay, xoang đẹp và rất giỏi con chữ nhưng nhà em nghèo lắm! Priu đang học lớp 12 và dự tính sẽ nghỉ học. Thấu hiểu được điều này, anh Hoách đã tới nhà động viên bố mẹ Priu. Anh cũng đến từng hộ dân trong làng xin thêm gạo, sách vở và đồ dùng học tập để “tiếp sức” cho em.

“Quan trọng hơn cả vẫn là những lời hướng dẫn, chỉ bảo của thầy Hoách đã giúp mình có thêm động lực để tiếp tục tới trường. Với sự quyết tâm của bản thân cùng sự ủng hộ của thầy Hoách, năm ấy, mình đã thi đậu Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn trong niềm vui của cả làng”-Priu kể.

Bọn trẻ trong làng yêu mến và gọi anh là “thầy Hoách”. Các bậc cha mẹ cũng vì thế mà vững tâm cho con theo học chữ. “Con bé Siu Hoa nhà mình đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ thầy Hoách. Gia đình mình thuộc hộ nghèo của làng nhưng Hoa vẫn thích đi học. Thầy Hoách đã vận động mọi người cho Hoa sách vở, quần áo, gạo, tiền… để con vui vẻ đến lớp cùng các bạn. Nay con bé đã học tới lớp 9 và rất yêu mến thầy Hoách”-bà Siu Grung xúc động nói.

Thanh-thiếu nhi trong làng được anh Hoách dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca… Ảnh: Trần Dung

Thanh-thiếu nhi trong làng được anh Hoách dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca… Ảnh: Trần Dung

Hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ làng O Ngol, chứng kiến được sự đổi thay tích cực của thế hệ trẻ hôm nay, ông Siu Huỳnh gật đầu tán thưởng: Ngày trước, bà con dân làng chỉ tập trung làm ruộng rẫy để làm sao gùi lúa, cà phê đầy sân và thoát được cái nghèo, còn việc học chữ thì nhiều nhà ít quan tâm. Những năm gần đây, nhiều thanh niên ở làng, đặc biệt là Siu Hoách đã thể hiện tốt vai trò tiên phong, tích cực cống hiến công sức, trí tuệ cho cộng đồng, lan tỏa tinh thần học tập.

“Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Làng có 105 cháu đang theo học tại các trường, trong đó 15 cháu học THPT; 2 cháu học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và 3 cháu học đại học”-Bí thư Chi bộ làng O Ngol phấn khởi thông tin.

Người trẻ tiêu biểu

Ngôi làng O Ngol khó khổ ngày nào nay đang từng ngày khởi sắc. Trong đó có sự chung tay, góp sức của những người trẻ tiêu biểu như anh Hoách. Là người thầy mang nặng tâm tư về sự học nơi vùng khó, anh lặng lẽ góp sức đưa những chuyến đò cập bến tri thức dù vẫn còn đó bao khó khăn, thách thức. Đêm đêm, khi con gái ngon giấc, anh lại say sưa bên trang giáo án. Động lực để anh cống hiến chính là tình yêu nghề tha thiết và sự cảm thông, thương mến dành cho các em.

Anh Hoách tâm sự: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin bằng sức trẻ, tri thức cùng tình yêu thương của mọi người, tôi sẽ làm tốt hơn công việc của mình, lan tỏa mạnh mẽ tình yêu con chữ tới các bạn trẻ. Sự học không bao giờ là muộn cả. Chỉ có tri thức mới giúp cuộc sống mình thay đổi một cách tích cực nhất”.

Quả như lời anh chia sẻ, sự học không bao giờ là muộn. Năm 2021, sau khi lập gia đình và sinh con, anh động viên vợ tiếp tục con đường học tập. Dù kinh tế gia đình còn khó khăn, con còn nhỏ nhưng anh quyết tâm sẻ chia việc nhà để chị có thể hoàn thành chương trình đại học. “Vợ mình ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo mầm non để trở về chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ còn nhiều thiệt thòi ở vùng sâu, vùng xa. Vợ chồng mình sẽ cùng cố gắng, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đưa tri thức thắp sáng những ngôi làng Jrai”-anh Hoách tâm nguyện.

Gia đình anh Siu Hoách là gia đình trẻ duy nhất của tỉnh Gia Lai được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương tặng bằng khen gia đình trẻ tiêu biểu. Ảnh. NVCC

Gia đình anh Siu Hoách là gia đình trẻ duy nhất của tỉnh Gia Lai được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương tặng bằng khen gia đình trẻ tiêu biểu. Ảnh. NVCC

Anh Lê Thế Đô-Bí thư Huyện Đoàn Chư Prông: “Những người trẻ như anh Siu Hoách đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng. Chúng tôi rất tự hào vì trong số 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Gia Lai có 1 gia đình trẻ người Jrai là gia đình anh Siu Hoách. Đây chính là hình mẫu để các gia đình trẻ người dân tộc thiểu số học tập, noi theo”.

Nhờ sự năng nổ, trách nhiệm, đầu năm 2023, anh Hoách được tin tưởng giao đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đoàn xã Ia Vê. Ở vai trò mới, anh luôn nêu cao trách nhiệm trong các phong trào tình nguyện, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Tổ chức hỗ trợ xây dựng các công trình thắp sáng đường quê và sân chơi cho thiếu nhi; phối hợp tặng 10 chiếc xe đạp, 100 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho 300 người dân; tổ chức Gian hàng 0 đồng với các nhu yếu phẩm cho bà con khó khăn… Tổng kinh phí các hoạt động khoảng 140 triệu đồng.

Đặc biệt, anh đã vận động thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh thiếu nhi đầu tiên tại làng O Ngol với 40 thành viên, thường xuyên tập luyện vào tối thứ bảy hàng tuần và biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ ấy, từ năm 2018 đến nay, anh Hoách đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và được Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, cuối tháng 11-2023, gia đình anh là gia đình trẻ duy nhất của tỉnh được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc. Đây là giải thưởng tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu, những hạt nhân lan tỏa giá trị của sự cống hiến và vun đắp hạnh phúc gia đình trong thế hệ trẻ.

“Đây là niềm vinh dự, là sự động viên, khích lệ để tôi tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm để tổ chức nhiều phong trào tình nguyện, chung tay xây dựng nông thôn mới, kết nối và tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi ở địa phương. Đặc biệt là xây dựng phong trào học tập cho thế hệ trẻ ở vùng đất khó này”-anh Hoách bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phường Tây Sơn ra mắt tủ sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(GLO)- Sáng 1-11, Trung tâm học tập cộng đồng phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) ra mắt tủ sách trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trên địa bàn.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

(GLO)- Từ ngày 14 đến 18-10, Hãng phim trẻ TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội đồng Đội huyện Chư Păh tổ chức chiếu phim lưu động với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ” phục vụ gần 8.000 học sinh tại 14 trường Tiểu học ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai).