(GLO)- Cho rằng nhà và đất của gia đình nằm trong hành lang an toàn bảo vệ cầu sẽ mất quyền xây mới, cải tạo, sang nhượng nên một hộ dân ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) đã dùng tre buộc lên thành cầu ngăn cản không cho thi công để đòi đền bù.
Ảnh: Lê Lan |
Theo đơn kiến nghị của ông Ngô Văn Đoài (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) thì việc mở rộng cầu Ninh Hòa nằm trên quốc lộ 14 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh khiến cho đất đai, nhà ở và các công trình khác của gia đình ông nằm trong hành lang bảo vệ cầu theo Nghị định 11/2010-NĐ/CP của Chính phủ và Thông tư 39/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải. Theo các quy định trên thì các quyền sở hữu hợp pháp như xây mới, cải tạo, cơi nới và sang nhượng đối với nhà, đất của gia đình ông sẽ không còn được công nhận. Do đó, ông Ngô Văn Đoài đã kiến nghị lên Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết đền bù. Tuy nhiên, sau 3 tháng gửi đơn kiến nghị (từ ngày 19-6-2014) mà không được giải quyết, ông Đoài đã buộc tre lên thành cầu khiến việc xây dựng công trình phải tạm ngưng.
Ngày 15-10-2014, UBND tỉnh có Công văn số 3967/UBND-CNXD yêu cầu kiểm tra, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc công trình cầu Ninh Hòa và giao cho Sở Giao thông-Vận tải chủ trì. Đến ngày 22-10-2014, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Chư Pah, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 và Sở Tài nguyên và Môi trường. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa-Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Pah cho biết: Huyện được bàn giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đến nay đã hoàn thành và bàn giao lại cho đơn vị thi công. Trường hợp cầu Ninh Hòa là phát sinh không thuộc phạm vi giải quyết của huyện. Sau khi cầu được mở rộng thì phần đất, nhà của ông Ngô Văn Đoài nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng thi công cầu nhưng nằm trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, huyện đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và ngành liên quan xem xét giải quyết đền bù dứt điểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Khoản b, c Điều 56 Nghị định 43/2014/ NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp sử dụng đất không gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì người đang sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và phải tuân theo các quy định về bảo vệ an toàn công trình. Đất trong hành lang an toàn công trình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai, trừ trường hợp đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất. |
Không đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Ngọc Báu-Giám đốc điều hành dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Gia Lai-Kon Tum cho rằng): Trường hợp của ông Ngô Văn Đoài nằm ngoài cọc giải phóng mặt bằng, không thuộc phạm vi đền bù giải phóng mặt bằng. Đề nghị địa phương có biện pháp hỗ trợ để tiếp tục thi công.
Sau khi trực tiếp khảo sát hiện trường và lắng nghe ý kiến từ các bên tham gia, ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải kết luận: Thắc mắc của hộ ông Ngô Văn Đoài là đúng và xác đáng. Tuy nhiên, xét về an toàn giao thông và an toàn công trình thì nhà của ông Ngô Văn Đoài không ảnh hưởng. Theo quy định thì cho phép công trình (nhà và các công trình khác của ông Đoài-P.V) được tồn tại, sử dụng theo đúng mục đích mà giấy phép đã cấp; khi nào Nhà nước có nhu cầu nâng cấp, mở rộng sẽ thu hồi và tính toán giải phóng đền bù theo đúng quy định.
Lê Lan