Người Churu đi "bắt chồng" - kỳ 4: Anh em cô cậu lấy nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Anh đến đây làm gì? Nhà này không có việc gì của anh cả, mời anh đi liền cho!”. Đó là thái độ phản ứng rất gay gắt của người vợ, người mẹ trẻ Bơnhong Ma Nhị khi biết chúng tôi hỏi về chuyện hôn nhân gia đình...


Người Nhị “bắt chồng” là con trai của cô ruột mình, dù chính quyền xã lẫn linh mục quản giáo xứ ngăn cản cũng chẳng ăn thua...

Ưu tiên lấy người cận huyết

Nhiều người trong bản Pró Ngó (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đến nay vẫn còn nhớ như in về cuộc hôn nhân của Ma Nhị và Dơnơng Sang Ya Thị với nhiều lời đàm tiếu, nhất là trong giới trẻ. Mẹ của Nhị, bà Bơnhong Ma Soang, là chị ruột của ông Dơnơng Sang Ya Đây, ba của Thị.

 

Bà Touprong Rơdy là người lấy con cậu ruột làm chồng (ảnh chụp bà và gia đình con gái út).
Bà Touprong Rơdy là người lấy con cậu ruột làm chồng (ảnh chụp bà và gia đình con gái út).

Ba năm trước, theo sự thống nhất từ trước, gia đình bà Ma Soang dẫn con gái sang “bắt chồng” là con ruột em trai mình. Thuận lời bố mẹ, Thị đồng ý lấy Nhị dù trong vai chị, và gia đình Nhị chấp nhận mọi khoản thách cưới.

Sự việc xì xào trong giới trẻ của bản Pró Ngó, sau đó lan rộng ra nhiều bản lân cận. Trong những lần đi nhà thờ, chuyện đôi lứa bà con đồng ý lấy nhau cũng được người ta bàn ra tán vào. Và linh mục quản giáo xứ trong xã cũng khuyên răn gia đình và đôi lứa không nên lấy nhau vì bà con quá gần, quá cận huyết thống, chẳng khác chi là anh em ruột.

Theo chị Ma Hô, cán bộ tư pháp xã Pró, chính quyền mấy lần tuyên truyền, vận động cả đôi lứa lẫn gia đình. Thế nhưng, hai gia đình và đôi lứa đã quyết tâm và thực hiện theo mọi lễ nghi, trình tự thủ tục cưới xin theo luật tục, Thị về nhà Nhị sinh sống và đến nay họ đã có với nhau một cu cậu lên 2 tuổi lấy theo họ Bơnhong của mẹ...

Thực ra, tình trạng con cô con cậu ruột lấy nhau rất phổ biến trong xã hội Churu, nhất là thế hệ lớn tuổi. Đây là hình thức hôn nhân đặc biệt được ưa chuộng. Trong mỗi buôn làng Churu ở hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đều rất dễ dàng bắt gặp những cặp vợ chồng có quan hệ huyết thống gần gũi.

Có làng chưa đầy 200 hộ gia đình đã có đến hàng chục trường hợp con cô lấy con cậu ruột. Tại bản K’Lot, xã Tu Tra, chúng tôi ghé vợ chồng bà Rơdy và ông Ya Biơi. “Con cô con cậu lấy nhau à, thì vợ chồng tôi là con cô con cậu đó” - bà Rơdy cho biết.

Mẹ của bà Rơdy là Touprong Ma Phun - em ruột của ông Touprong Ya Hra, cha của ông Biơi. Theo lời kể của bà Rơdy, trong một đêm tối trời năm lên 16 tuổi (1959), gia đình đã tổ chức đưa bà sang nhà cậu để “bắt chồng” là người em Ya Biơi vốn thân thiết, chơi với nhau từ nhỏ. Họ sống với nhau có năm mặt con.

“Hồi xưa ai cũng vậy cả, toàn con cô con cậu lấy nhau cả thôi, hễ con cô con cậu là được cả dòng họ ưu tiên. Sau này chính quyền không cho lấy như vậy nữa!” - bà Rơdy nói.

Đối với giới trẻ, hầu hết đều ý thức được việc cận huyết thống “như anh em trong nhà” lấy nhau có quá nhiều điều không hay, nhất là về mặt hậu duệ, ảnh hưởng đến giống nòi. Sự ý thức có được từ nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thường xuyên được tiến hành, do nhà trường, chính quyền xã cùng nhiều tổ chức xã hội...

Thế nhưng, những trường hợp như Nhị và Thị nên duyên vợ chồng, đây đó vẫn âm ỉ diễn ra mà đa số là do các bậc cha mẹ sắp đặt và quyết định.

“Con anh, con em, con của chúng ta”...

Trong một buổi chiều trời mưa dông, chúng tôi quyết vượt con đường đất rất xấu dài 4-5 cây số, băng qua cánh đồng rộng để tìm ông Jơrlơng Ya Loan - ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, một trí thức dân tộc Churu.

Nhà ông như một trang trại biệt lập giữa thung lũng thuộc làng Malay của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, nơi có bãi cỏ xanh chăn thả gia súc, khu vườn rộng trồng rau và cây ăn trái cùng ao cá lớn. “Đường khó đi như vậy mà chú đến được đây là khá rồi!” - ông vừa nói vừa kêu vợ pha trà mời khách. Vợ ông là bà Touprong Ma Wy, vốn là một dòng họ quý tộc của người Churu.

Điều đặc biệt của đôi vợ chồng này chính là ở duyên phận được nối từ hai cuộc hôn nhân trước đó. Bà Ma Wy kể năm 1976, bà đi cưới chồng lần đầu là ông Jơrlơng Ya Toan, anh ruột của ông Ya Loan.

Năm 1981, ông Ya Toan chết vì bệnh, để lại bà cùng ba đứa con thơ. Năm 1985, cuộc hôn nhân của ông Ya Loan cũng đứt gánh vì người vợ qua đời để lại ông với năm đứa con nheo nhóc. Sau hai năm mãn tang, ông Ya Loan đã đồng ý lấy bà Ma Wy vốn là chị dâu của mình, và đám cưới của họ đã diễn ra trong nội bộ dòng tộc. Đôi vợ chồng này có với nhau thêm ba người con nữa.

 

Không muốn tài sản vào tay nhà khác

Vợ chồng bà Ma Wy và ông Ya Loan.
Vợ chồng bà Ma Wy và ông Ya Loan.
Theo giải thích của các trí thức người Churu, sở dĩ hình thức hôn nhân con cô con cậu ruột được ưu tiên vì họ đều trong cùng một nhà, có bà con, nay có thêm mối quan hệ dâu, rể thì càng gắn kết, việc thách cưới phần nào nhẹ nhàng, và quan trọng hơn chính là người Churu không muốn tài sản của gia tộc rơi vào dòng họ người khác.

Cho dù hai gia đình sáp lại, có “con anh, con em và con của chúng ta”, song theo lời bà Ma Wy: “Tất cả chúng nó sống với nhau rất hòa thuận, yêu thương nhau lắm vì chúng đều được hai vợ chồng tôi yêu thương và chăm sóc như nhau!”. Theo ông Ya Loan, lý do hai vợ chồng lấy nhau là để cùng nuôi nấng con cháu mình đàng hoàng!”.

Hình thức hôn nhân chị em vợ lấy anh em chồng khi hai gia đình có người qua đời như trên là khá phổ biến, thường được dòng tộc khuyến khích và gia đình hai phía đồng tình trong cộng đồng người Churu.

Ngoài ra, một số hình thức hôn nhân “nối dây” khác cũng được cộng đồng ở đây lựa chọn. Đó là khi người chồng chết thì anh em trai của chồng lấy người vợ góa. Hay người vợ chết thì người chồng lấy em hoặc chị vợ... Những trường hợp đó cũng nhằm nối tiếp gia đình, bảo vệ con cháu và bảo vệ của cải không rơi vào dòng họ khác...

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.