“Ngu Công” ở Đak Dền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
17 năm ròng rã, ông A Nhái ở làng Đak Dền (xã Đak Pét, huyện Đak Glei- tỉnh Kon Tum) đã kiên trì san bằng 2 quả đồi, lấp một con khe để có 1,1 ha lúa nước, 4 ao cá… Giữa thời hiện đại, có một con người chỉ bằng đôi tay đã dám làm công việc chuyển núi thần thoại của Ngu Công…
…Miệng cái kẻng kêu báo hết giờ học, lũ học sinh có đứa còn mải theo con bướm chưa đến tận nhà đã thấy A Nhái vác cuốc xăm xăm ra đồi. Con mắt đã quen quá rồi, vậy mà mỗi lần thấy A Nhái đễn chỗ “công trình” của nó, người làng Dền vẫn không nín được cái chép miệng. Có người còn nghĩ thầm “Làm thầy giáo mà ngu thế. Núi rừng thiếu gì đất. Bỏ ra một buổi chặt cây cũng bằng cả tháng đào đồi. Người Dẻ từ hồi ông bà, Yang H’Ri (Thần Lúa) chỉ ở trên lưng núi, nay nó định học người Kinh đưa xuống nước Yang chẳng chết đuối hay sao. Ý nó chắc Yang biết nên phạt đày nó đó mà”.
Mặc người nghĩ người nói ra miệng, A Nhái cứ vờ như điếc. Nhái đã tính: Phải đắp một con đập đầu khe rồi đào hai con mương thoát nước. Con bên phải 500 mét, con bên trái 200 mét rồi kéo đất hai đồi xuống lấp bằng con khe. Đếm hết cây trên núi Đak Dền chưa khó bằng nhưng đầu A Nhái như đã có lõi cây xà nu cắm chắc: Đừng kể tháng kể năm, cứ khi nào nên việc thì thôi. Không có ruộng nước, cái đói còn đeo mãi…
A Nhái và vợ chuẩn bị cây giống bời lời để phủ xanh đỉnh Đak Dền. Ảnh: Đăng Vương
A Nhái và vợ chuẩn bị cây giống bời lời để phủ xanh đỉnh Đak Dền. Ảnh: Đăng Vương
Ngày chủ nhật, việc bắt đầu từ lúc con gà xuống đất đi ăn; ngày phải lên lớp thì từ trưa cho đến lúc gà lên chuồng. Đất đồi lắm đá, gốc cây dày như cắm chông, A Nhái hì hụi vần đá, chặt rễ. Có những tảng đá to quá, Nhái phải dùng búa đập bớt mới vần nổi. Gốc cây thì toàn gỗ chắc trơ lại, búa chặt vào bật ra như chém đá… Chỉ dám dừng lại hút điếu thuốc rê rồi làm việc ngay, thế mà ngày được việc nhất đo lại cũng chỉ được 3 mét vuông. Ngày gặp đá to, gốc lớn thì chỉ bằng chỗ con trâu đằm… Ra khỏi vũng đất, Nhái như bị ai rút hết xương rồi dìm xuống bùn mà lôi lên.
Thấy chồng cực khổ quá, vợ Nhái lén đi thuê người. Chẳng ai chịu làm thì chớ, người ta lại còn nói gièm “Thằng Nhái bảo nước chảy đá cũng phải mòn thì cứ để nó “chảy” thôi. Giúp làm gì cho thừa cái sức của nó đi!”. Người ngoài không thương thì nhắm người họ hàng vậy. Vợ Nhái đập một con bò mời bà con đến. Cơm no rượu say rồi họ mới đồng ý giúp. Nhưng chỉ dỡ được con mương bên trái, người kêu bận việc nhà, người nói nặng việc quá không làm nổi. Vợ Nhái không làm sao được, thương chồng chỉ còn biết ôm mặt khóc…
“Muốn trèo lên được chóp núi hãy nhìn xuống chân mình. Nếu cứ ngửa mặt mà mong thì sẽ nản lòng thôi”. Không ai giúp, A Nhái chẳng nản, ngược lại chỉ làm ruột nóng thêm. Một ngày nối một ngày, miếng ruộng cứ lan dần ra như lửa ăn khúc củi. Miếng cháy càng to bóng sáng càng to… Đến đúng con trăng mùa rẫy thứ 17, Nhái dộng mạnh cây cuốc không biết đã thay lần thứ mấy, hét lên một tiếng muốn vỡ cả ngực. Rồi như không tin cả mắt mình, Nhái đi một vòng xem lại… Hơn 10 bờ đập xếp đá cao quá đầu, tảng nào tảng nấy to như con heo mẹ. Mặt ruộng như tấm lá chuối để bằng. Hai con kênh thẳng tắp tuôn nước ào ào vào ao cá… Bụng lâng lâng như lúc uống rượu say, cứ nghĩ không biết có Yang giúp hay không mà Nhái làm nên cái việc gộp cả sức làng chưa chắc đã nên như thế?
Nhái đập một con trâu ăn mừng. Làng đến không sót ai. Người mừng thật cũng có nhưng người “mừng giả” thì nhiều hơn… Đak Pét hồi mới giải phóng cán bộ đã xuống vận động làm lúa nước rồi, thế nhưng trầy trật mãi mấy mùa cũng không nên việc. Người ta nói đủ lý do nhưng thực ra là ai cũng sợ lời ông bà. Nhái làm cây lúa không nên thì chẳng còn ai dám mơ tới nữa. “Đất nó làm ra cho cây lúa ở hay con nhái, con chuột ở, phải để con mắt lại mà ngó đã”… Nhái, thực ra chỉ hơn mọi người nhận thức chứ kỹ thuật thì cũng lơ mơ. Cứ nghĩ có nước, cắm cây lúa xuống là được ăn, nào ngờ ba vụ đầu thua cả người ta làm rẫy chỗ xấu nhất... “Nói có sai đâu, đừng tưởng làm thầy giáo mà trái ý Yang được”.
Làng Dền xôn xao, người nói xa, người hỉ hả ra miệng. Vợ Nhái buồn như cây lúa chờ mưa. Còn Nhái, đến bữa ăn như lua vào miệng hột sỏi. May sao lúc đó chuyện đến tai huyện. Huyện cử cán bộ xuống chỉ kỹ thuật, lại cấp cả phân hóa học cho bón… Vụ đó mỗi ngày cây lúa như được kéo lên một khúc. Hồi hộp đếm con trăng rồi ngày gặt cũng đến. Hôm đó, huyện mời cả cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT xuống xem. “Việc A Nhái làm thế mà động đến cả tai cán bộ tỉnh rồi”. Không nén được tò mò, cả làng cùng ra xem thử. Tay Nhái cầm liềm cứ run như đi ăn trộm lúa nhà ai… Cắt thử 10 m2 đập rồi cân lên, tính ra nếu cắt cả hec-ta, quy ra lúa khô thì được những 5,5 tấn- gấp hơn 5 lần chỗ rẫy tốt nhất! Bất ngờ quá khiến không ai nói được câu nào… Mùa sau thấy chẳng cần ai vận động, ruộng nước người ta cũng làm hết veo. Chỉ vất vả cho Nhái phải bươn bả hết ruộng này sang ruộng khác chỉ việc… Chuyện tức cười là  A Nhá- một người bà con, sau đó đã đến nhà Nhái năn nỉ bán cho ông một nửa ruộng giá bằng một con bò. Nhái cười ngất “Chú không nhớ hồi đó tôi đập con bò mà chỉ nhờ cả họ làm giúp được một buổi thôi sao?”.
…Ngọn núi Đak Dền dễ cao hơn ngàn mét. Từ đỉnh nhìn xuống, làng Dền trông như chiếc lá bám hờ vào thân núi. Mới 4 giờ chiều, từng đám mây mỏng như váng sữa đã vương vít khắp ngọn cây. Phóng tầm mắt khắp chóp núi xuống thung sâu, chỉ thấy những rẫy lúa, mì cao sản nối nhau ngằn ngặt… Tôi tưởng tượng công sức đổ ra để cõng cả rẫy mì từ dưới lũng sâu hun hút kia lên tận đường... Thế mà giữa cái nơi “giáp đất cùng trời” này, A Nhái canh tác tới những 14 ha đất- gồm 4 ha mì, 4 ha lúa nếp rẫy, 13.700 cây bời lời… Cái sức mạnh nào tiềm ẩn trong con người nhỏ bé, gầy như một đốt le hong lửa kia? Nhìn mảng lưng vẫn ướt đẫm mồ hôi của tôi. A Nhái bỏ dở câu chuyện ra vườn chặt về mấy cây mía. Giống mía mang tận ngoài Bắc vào mọng nước, ngọt như đường chưng. Vừa róc mía cho khách ăn, A Nhái vừa tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
Năm 1996, Nhái xin nghỉ việc, hưởng chế độ một lần. Mình con đông (10 đứa) làm Nhà nước thì không đủ sống, chân trong chân ngoài thì phiền đến cơ quan. Có được hec-ta lúa nước ấy, chỉ cần làm một vụ cũng đủ gạo ăn cả năm. Nhưng nếu chỉ có lúa thôi thì không giàu được. Và thế là A Nhái đã “tiên phong” lên núi vỡ đất trồng mì, bời lời… Bây giờ thì bà con tin Nhái quá rồi. Không những thấy Nhái làm gì cũng theo, bà con còn “bắt” Nhái là Trưởng thôn kiêm Tập đoàn trưởng.
Từ ngày “lĩnh” hai chức ấy, việc có ý nghĩa nhất của Nhái là cùng dân làng mở con đường gần 10 km lên đỉnh Đak Dền… Trên Đak Dền bà con đã làm rẫy từ hồi mới giải phóng nhưng cứ đường ai nấy đi. Làm ra được củ mì hạt bắp phải còng lưng cõng từ dưới lũng sâu về làng. Cõng hết một cái rẫy, nhà ít người phải mất cả tháng. Họp đưa ra bàn, cái lợi thì ai cũng thấy lọt lỗ tai quá rồi. Thế nhưng khi bắt tay vào làm thì lại là chuyện khác. Núi cao dốc đứng, đá lổm ngổm như bầy heo con, 10 cây số đâu phải là khúc củi. Như chẳng cần biết, A Nhái hì hụi làm. Từ sáng đến tối, cái lưng trần cứ bóng như da con trăn… Không làm, mai mốt dùng đến đường thì khó con mắt; làm thì khổ chân tay, nhiều người ức quá cứ gọi tên A Nhái chửi thầm… Bây giờ thì làng Dền nhà xây, tivi, xe máy đều nhờ con đường này mà nên. Chính những người chửi A Nhái lại mang chuyện ra “tự thú”… Những việc Nhái làm, làng xã ai cũng phục đành rồi, tiếng còn vang ra cả nước. Đầu năm nay A Nhái được vinh dự ra Hà Nội nhận danh hiệu gia đình nông dân vượt khó, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng thưởng 10 triệu đồng…
…Chiều muộn. Trong tầng tầng mây trắng chợt cảm giác như mình đang trong chiều cổ tích. A Nhái bảo: Anh đã cất công lên tận xứ sở của tôi, tôi phải xuống “đáp lễ”. Tôi gàn lại nhưng ông chẳng chịu. Cứ tưởng ông nói vậy thì đi ngay, nào ngờ vẫn còn tranh thủ cõng giúp vợ  mấy gùi cây giống bời lời ra rẫy… Thong thả từng bước chân xuống núi, tôi cố lục trong trí nhớ xem ai có thể sánh cùng ông… Không ai cả. Cái ý chí làm giàu mãnh liệt đến nhuốm màu giai thoại ấy, ở Tây Nguyên cho tới giờ tôi chỉ biết có mỗi người…
Đăng Vương

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.