Một bạn đọc từ vùng lụt miền Trung nhắn tin cho phóng viên Báo Lao Động: “Xin anh có ý kiến với mấy đoàn cứu trợ. Em thấy nhiều mì tôm lắm rồi”. Một lời đề nghị chân thành, đúng với tình hình của thực tế địa phương.
Người dân Quảng Bình đang chống chọi với tình cảnh khó khăn sau mưa lũ. Ảnh: Lê Phi Long |
Không phải bà con vùng lũ chê mì gói, nhưng mì gói chỉ cần lúc khẩn cấp để cứu đói, còn khi đã có một vài thùng mì gói trong nhà rồi, thì không cần thêm nữa.
Bạn Nguyễn Phước Nhâm, viết trên trang riêng của mình, bày tỏ lời cảm ơn các nhà hảo tâm và bằng kinh nghiệm của mình, bạn đã liệt kê những thứ cần hơn mì gói, đó là:
Áo phao, đèn pin, radio xài pin: Là dụng cụ sinh tồn và tiếp nhận thông tin khi không có tivi, internet, điện thoại. Nếu mỗi người dân vùng lũ đều có áo phao thì sẽ tránh được rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra.
Nước sạch: Hầu hết nông thôn hiện nay sử dụng nước giếng khoan, lũ lụt, cúp điện đồng nghĩa với việc thiếu nước sạch để ăn, uống.
Lương thực: Gạo, muối, dầu ăn, nước mắm, gia vị, đường, sữa, bánh chưng, lương khô, các loại thực phẩm chế biến sẵn bảo quản được lâu như món muối thịt ruốc sả, cá khô, mắm…
Dược phẩm, thuốc men: Các loại thuốc không kê đơn: Thuốc trị nấm ngứa ngoài da, thuốc đau bụng, thuốc cảm sốt, dầu gió, Cloramin B (để khử trùng nước), xà phòng diệt khuẩn, xà phòng giặt, xà bông tắm…Những sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em: Kotex, Dạ Hương, bỉm tả…
Quần áo, chăn đắp, áo đi mưa, giày dép, ủng caosu. Tôn để lợp lại mái nhà, vật liệu xây dựng để tái thiết sau lũ, máy bơm nước… Nếu được hãy trao cho họ một ít tiền mặt, rất thiết thực để xây dựng lại cuộc sống.
Lũ lụt qua đi, sẽ có lắm thứ ở lại, mối đe dọa về cái ăn chỉ một phần, chuyện lớn hơn là mối lo dịch bệnh. Muốn không bị dịch bệnh trước hết là phải phòng bệnh tốt. Lo dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thôn xóm là việc phải bắt tay làm ngay bất cứ nơi nào có thể làm được.
Hỗ trợ dân để người dân được ăn uống, được sống trong điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, được chăm sóc y tế, được cung cấp đầy đủ thuốc men. Phòng dịch bệnh hiệu quả, chăm lo sức khỏe cho người dân chính là “cứu trợ y tế”.
Cùng với y tế là giáo dục, học sinh, sinh viên phải trở lại lớp học, giảng đường. Đa số các em đều gặp khó khăn, hỗ trợ cho các em đủ sách vở để đến trường. Nếu cá nhân, tổ chức nào dồi dào kinh phí, có thể cấp tiền học phí cho các em năm học 2020 - 2021. Cứu trợ giáo dục là rất thiết thực, tiếp sức cho các em đến trường đừng vì thiên tai mà bỏ học là cứu trợ lâu dài và bền vững.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngoai-thuc-an-y-te-hay-cuu-tro-cac-em-den-truong-847446.ldo
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)